Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Việt
Nam sẽ mở cửa cho các tổ chức nước ngoài tham gia vào thị trường tài chính nội
địa dưới nhiều hình thức.




Đây là thông tin được
cho biết tại hội thảo “Hiệp định TPP: Cơ hội và Thách thức đối với lĩnh vực
tài chính và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam,” tổ chức tại
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/4.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó
Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, thông qua
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các tổ chức tài chính nước ngoài
được tham gia thị trường Việt Nam dưới những hình thức đa dạng như văn phòng
đại diện, chi nhánh; ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Đồng thời, TPP cũng mở
ra cơ hội cho các tổ chức tài chính nước ngoài tham gia cổ phần vào các ngân
hàng thương mại cổ phần đang hoạt động tại Việt Nam với mức giới hạn tỷ lệ %.

“Trong TPP có các
quy định cốt lõi của lĩnh vực dịch vụ tài chính gồm: đối xử quốc gia, mở cửa
thị trường, thương mại qua biên giới, nhân sự cấp cao và hội đồng quản
trị.”


Cụ thể, tổng tỷ lệ cổ
phần của nước ngoài tại một ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam không vượt
quá 30%; còn giới hạn sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược là 20%. Ngoài
ra, các tổ chức tài chính nước ngoài được thành lập công ty tài chính liên
doanh, công ty tài chính 100% vốn nước ngoài, công ty cho thuê tài chính liên
doanh, công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài.

Mặt khác, để các tổ chức
tài chính của các nước thành viên có thể tiếp cận và hoạt động hiệu quả tại thị
trường của nhau, TPP đã đưa ra những biện pháp minh bạch và pháp lý về các
chính sách quy định hoạt động của các tổ chức tài chính thông qua công bố công
khai luật trước khi ban hành.

Cơ quan quản lý của các
nước thành viên TPP phải cam kết khung thời gian nhất định để phúc đáp nhà đầu
tư các vấn đề liên quan trong quá trình cấp phép. Trong TPP, có các quy định
cốt lõi của lĩnh vực dịch vụ tài chính gồm: đối xử quốc gia, mở cửa thị trường,
thương mại qua biên giới, nhân sự cấp cao và hội đồng quản trị.

Cụ thể, liên quan đến
vấn đề chuyển tiền và bảo vệ cán cân thanh toán, bà Vũ Minh Châu, Vụ hợp tác
Quốc tế Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, các nước thành viên TPP cam kết cho phép
việc chuyển tiền và thanh toán liên quan tới khoản đầu tư cũng như các dịch vụ
qua biên giới ra hoặc vào lãnh thổ một cách tự do, không chậm trễ, không hạn
chế loại tiền tệ, theo tỷ giá thị trường tại thời điểm chuyển tiền.

Riêng đối với dịch vụ
thanh toán điện tử cho các giao dịch bằng thẻ, Việt Nam cam kết mở cửa thị
trường thẻ có mã quốc tế, cho phép nhà cung cấp nước ngoài cung cấp qua biên
giới các dịch vụ thanh toán bù trừ (không mở cửa thị trường thẻ nội địa). Bên
cạnh đó, Việt Nam bảo lưu quyền yêu cầu chuyển mạch thẻ qua một cổng thống nhất
tại đơn vị chuyển mạch thẻ quốc gia.

Theo bà Trần Thị Hồng
Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, TPP sẽ tạo ra triển vọng cho
ngành thương mại Việt Nam mức tăng trưởng mạnh mẽ, mở ra cơ hội cho các ngân
hàng thương mại Việt Nam đồng hành hỗ trợ vốn, dịch vụ cho doanh nghiệp xuất khẩu
trong tương lại.

Các nguồn vốn đầu tư
nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực, tạo thuận lợi cho hệ thống
ngân hàng tăng cường thanh khoản và gia tăng cơ hội kinh doanh.

Ngoài ra, hệ thống ngân
hàng Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ủy thác trên thế giới
với chi phí thấp hơn do vị thế của Việt Nam được cải thiện nhờ TPP. Theo đó,
Việt Nam có cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, công nghệ và năng lực quản lý
điều hành cao vào ngành ngân hàng.

Đặc biệt, việc tham gia
sâu rộng của các nhà đầu tư ngoại mang lại điều kiện mở rộng hợp tác, nâng cao
năng lực quản trị và tài chính cho các ngân hàng nội địa và đây là cơ sở để
phát triển ngành ngân hàng Việt Nam
.