VTV.vn – Đây là nhận định của ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn MSF 2023.
Ngày 19/10, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn đa phương (MSF) 2023 với chủ đề: “Khai thác sức mạnh Văn hóa Kinh doanh của Việt Nam hướng tới Bền vững và Cạnh tranh trong thời kỳ mới”.
Diễn đàn MSF 2023 được kỳ vọng sẽ góp một tiếng nói quan trọng trong việc hình thành một văn hóa kinh doanh năng động và kiên cường, thúc đẩy phát triển bền vững và cải thiện vị thế cạnh tranh của Việt Nam trước bối cảnh biến động mạnh mẽ không ngừng của nền kinh tế toàn cầu.
Phát triển văn hóa kinh doanh có bản sắc theo định hướng bền vững giúp gia tăng năng lực cạnh tranh mang ý nghĩa quan trọng đối với sự thịnh vượng của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, việc nhận thức và phát huy được những ưu thế về văn hóa có vai trò mang tính bước ngoặt cho việc định hình tương lai của Việt Nam với tư cách là một cộng đồng kinh doanh có trách nhiệm và nền kinh tế mới nổi có khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Không chỉ vừa khẳng định các dấu ấn văn hóa khác biệt và phát huy lợi thế cạnh tranh, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động Việt Nam còn cần tích hợp thêm các giá trị toàn cầu, bao gồm các chuẩn mực đạo đức kinh doanh, và thúc đẩy hợp tác toàn cầu một cách nhanh chóng hơn nữa. Sự tích hợp này sẽ giúp tạo ra sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhiều thị trường khác nhau, từ đó góp phần thúc đẩy việc tạo ra các giá trị mới và thích ứng cao với các biến động của thời đại.
MSF 2023 tập hợp các bên liên quan để thảo luận về tầm quan trọng của việc khai thác sức mạnh văn hóa kinh doanh có bản sắc của Việt Nam và các chiến lược tối đa hóa các giá trị này trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Chương trình bao gồm một Phiên thảo luận toàn thể với chủ đề “Văn hóa kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ mới”, cùng với hai phiên thảo luận song song: “Thực hành tốt trong khai thác tiềm năng văn hóa doanh nghiệp cho cạnh tranh và bền vững”, và “Vai trò và đóng góp của người lao động trong xây dựng văn hóa kinh doanh bền vững và cạnh tranh”.
Đặc biệt, tại Diễn đàn, lần đầu tiên một nghiên cứu đương đại về “Nhận diện Văn hoá kinh doanh Việt Nam và hàm ý cho phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh” sẽ được giới thiệu. Nghiên cứu nhận được sự góp ý chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành trên cơ sở khảo sát và vận dụng các tiếp cận và kết quả của các nghiên cứu Quốc tế vào điều kiện của Việt Nam.
Kết quả của nghiên cứu hy vọng sẽ không chỉ đem lại những góc nhìn mới cho các nhà quản lý, nhà hoạch định trong thúc đẩy văn hóa kinh doanh có bản sắc, hiện đại, và mang tính thích ứng cao, mà còn hữu ích cho các doanh nghiệp, các tổ chức công đoàn và người lao động trong thực tiễn quản trị các mục tiêu của doanh nghiệp thông qua hoàn thiện văn hóa tổ chức và văn hóa doanh nghiệp.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Vai trò, vị thế quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân trong xã hội ngày càng được khẳng định là điều kiện quan trọng để văn hoá kinh doanh Việt Nam từng bước được khơi dậy, phát huy. Văn hóa kinh doanh đang có những thay đổi nhất định, hướng đến sự phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm, đòi hỏi doanh nghiệp phải kịp thời nắm bắt để điều chỉnh và thích nghi, qua đó trở thành những đối tác tin cậy, phát huy tính sáng tạo, đổi mới, sẵn sàng hợp tác”.
Chia sẻ quan điểm tại Diễn đàn, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá đây là một vấn đề hết sức thực tiễn, phù hợp với xu hướng và bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với quốc tế trên mọi lĩnh vực, đáp ứng kỳ vọng và mong mỏi của tất cả các cơ quan, đối tác, doanh nghiệp, người lao động và tổ chức công đoàn, nếu thực hiện tốt vấn đề này sẽ giúp xây dựng hình ảnh, cải thiện mạnh mẽ khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, từ đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tầm quan trọng của văn hóa kinh doanh đối với sự phát triển của một đất nước là vô cùng lớn.
Văn hóa kinh doanh không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia kinh doanh tại những điểm còn khoảng trống về pháp luật. Văn hóa kinh doanh cũng giúp người dân hình thành nên văn hóa tiêu dùng lành mạnh và tham gia có trách nhiệm vào các quan hệ kinh tế với doanh nghiệp và nhà nước.
Người lao động là một chủ thể quan trọng trong văn hóa kinh doanh nói chung và văn hóa tổ chức nói riêng. Do đó, với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ người lao động tại Việt Nam, Công đoàn Việt Nam luôn nỗ lực và sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên liên quan để cùng nhau thảo luận, xác định những vấn đề cần cải thiện, đề xuất các giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm thúc đẩy văn hóa kinh doanh Việt Nam theo hướng cạnh tranh và bền vững”.
Diễn đàn Đa phương MSF tổ chức lần đầu vào năm 2018. Thông qua Diễn đàn, các nhà đồng tổ chức mong mong muốn cùng với các cơ quan thuộc chính phủ, công đoàn, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các cá nhân quan tâm thúc đẩy các thảo luận và hành động có ý nghĩa, vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam.
Nguồn : VTV