Theo quy định, các công ty bảo hiểm
phi nhân thọ tại Việt Nam phải trích lập 3 loại dự phòng: dự phòng phí bảo hiểm
chưa được hưởng, dự phòng bồi thường và dự phòng dao động lớn.


Chưa có trường đại học nào tại Việt Nam tổ chức đào tạo actuary

Theo các chuyên gia của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, việc tính toán
dự phòng phí chưa được hưởng, dự phòng bồi thường cho các yêu cầu bồi thường
chưa được giải quyết tương đối đơn giản. Tuy nhiên, việc tính toán dự phòng bồi
thường cho tổn thất đã phát sinh nhưng chưa thông báo thì phức tạp hơn, bởi
phải làm việc với những điều không rõ ràng và không chắc chắn xảy ra. Nhiều
công ty đã trích lập dự phòng bồi thường thiếu chính xác, dẫn đến nguy hiểm cho
sự an toàn tài chính của công ty.


Liên quan đến câu chuyện
tính toán dự phòng phí, dự phòng bồi thường và dự phòng dao động, các chuyên gia
trong ngành bảo hiểm đang hết sức lo ngại vấn đề thiếu hụt trầm trọng chuyên
gia tính toán bảo hiểm (actuary) đạt yêu cầu, theo quy định cho khối bảo hiểm
phi nhân thọ.


Theo quy định tại Thông
tư 194/2014/TT-BTC ngày 17/12/2014, kể từ ngày 1/1/2016, các doanh nghiệp bảo
hiểm phi nhân thọ phải sử dụng chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ và khả
năng thanh toán (actuary) đạt tiêu chuẩn sau: là thành viên (fellow) của Hội
Các nhà tính toán bảo hiểm đang là thành viên chính thức của Hội Các nhà tính
toán bảo hiểm quốc tế; hoặc có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh
vực bảo hiểm phi nhân thọ và có tối thiểu 2 chứng chỉ tính toán được cấp bởi
một trong các Hội sau: Hội Các nhà tính toán bảo hiểm Vương quốc Anh, Hội Các
nhà tính toán bảo hiểm Scotland, Hội Các nhà tính toán bảo hiểm Hoa Kỳ, Hội Các
nhà tính toán bảo hiểm Úc, Hội Các nhà tính toán bảo hiểm Canada.


Trên thực tế, sự lớn
mạnh của thị trường bảo hiểm đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng đội ngũ
chuyên gia bảo hiểm đủ về số lượng, tinh thông nghiệp vụ và hiểu biết về thị
trường Việt Nam. Trong đó, actuary đóng vai trò then chốt trong hoạt động của
một công ty bảo hiểm.


Tuy nhiên, trao đổi tại
Hội thảo chuyên đề “The Chain-ladder Claims Reserving Method in Insurance”
(Phương pháp Chain-ladder xác lập dự phòng trong bảo hiểm) do Hiệp hội Bảo hiểm
Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Quốc tế tổ chức mới đây tại TP. HCM, đại
diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, trong số các actuary tại 30 công ty
bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam, chỉ có 1 người đạt yêu cầu trên. Và điều đáng
quan ngại hơn là hiện chưa có trường đại học nào tại Việt Nam tổ chức đào tạo
actuary.


Chính vì vậy, các chuyên
gia trong ngành e ngại rằng, trước mắt, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt
Nam vẫn phải chịu cảnh “ăn đong” chuyên gia tính toán bảo hiểm và khả năng
nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ không đáp ứng được quy định kể từ ngày
01/1/2016, khi phải sử dụng actuary đạt tiêu chuẩn. Thêm vào đó, tương lai xa
hơn vài năm nữa, tình trạng thiếu actuary vẫn chưa thể khắc phục toàn diện.


Trao đổi về câu chuyện
thiếu chuyên viên actuary tại Hội thảo trên, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt
Nam bày tỏ mong muốn Trường Đại học Quốc tế, với những lợi thế sẵn có như ngôn
ngữ giảng dạy là tiếng Anh, chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học được đảm
bảo, giảng viên chất lượng cao trong Bộ môn Toán, Khoa QTKD, Bộ môn Tài chính
ngân hàng và mối quan hệ quốc tế rộng rãi… sẽ trở thành trường đại học tiên
phong ở Việt Nam tổ chức đào tạo actuary.


Hình thức đào tạo có thể
là liên kết với các trường đại học, tổ chức đào tạo nước ngoài có uy tín, để
sinh viên được đào tạo những tín chỉ được các hội actuary quốc tế chấp nhận, có
thể tiếp tục học tiếp để trở thành hội viên của các hội actuary uy tín trên thế
giới như Hội actuary Mỹ, Anh, Canada, châu Âu, Úc…


Đại
diện Trường Đại học Quốc tế TP. HCM cho biết, hiện tại, Trường có đào tạo ngành
Toán ứng dụng, Kỹ thuật tài chính thực hành (Financial Engineering), Tài chính
và Ngân hàng, đều là những ngành có thể tổ chức các môn học chuyên sâu hướng
tới bảo hiểm hay actuary.


Trong tương lai, trường
hoàn toàn có thể đề xuất và xây dựng các môn học liên quan đến lĩnh vực này,
dựa vào các mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nước. Việc phát triển xây dựng
môn học của trường cũng có nhiều thuận lợi, vì phía Trường đại học RiskLab ETH
Zurich và Hiệp hội Bảo hiểm đều sẵn sàng hỗ trợ.


Được biết, hiện tại
Trường Đại học Quốc tế đang thảo luận thêm về khả năng ký kết với RiskLab ETH
Zurich về tổ chức nghiên cứu đào taọ trong lĩnh vực Actuarial Science và Risk
Management (Quản trị rủi ro). Nếu sự hợp tác này thành công, đây có thể là một
trong những phương pháp giải bài toán thiếu hụt trầm trọng actuary bảo hiểm phi
nhân thọ hiện nay.


Theo tinnhanhchungkhoan.vn