Đây là thông tin được ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết khi trao đổi với báo giới trước thềm Hội nghị các cơ quan quản lý bảo hiểm khu vực ASEAN lần thứ 26 (AIRM26th) và Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 49 (AIC49th), sắp diễn ra từ ngày 5 – 8/12, tại Quảng Ninh.
PV: Thưa ông, từ ngày 5-8/12, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức AIRM26th và AIC49th. Xin ông chia sẻ về những nội dung quan trọng cũng như chuỗi hoạt động lớn liên quan tới hai Hội nghị tầm cỡ khu vực lần này?
Ông Ngô Việt Trung: Nhằm đẩy nhanh quá trình hội nhập khu vực, thực hiện sáng kiến của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ Nhất tại Thái Lan năm 1997, từ năm 1998, các nước thành viên ASEAN đã thống nhất tổ chức Hội nghị Các Nhà quản lý bảo hiểm ASEAN (AIRM) trên cơ sở luân phiên, định kỳ hàng năm.
Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính
Năm nay, từ ngày 5 – 8/12, Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị AIRM26th và AIC49th với chủ đề “Bền vững, toàn diện và kết nối”. Tại Hội nghị lần này, các cơ quan quản lý và khối doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thảo luận và đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN, tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, vì sự phát triển của lĩnh vực bảo hiểm của mỗi nước và khu vực, hướng tới mục tiêu hội nhập cộng đồng chung ASEAN. Tiến trình Hội nghị gồm hai Hội nghị chính là Hội nghị Các Cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN và Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN. Ngoài ra, năm nay sẽ có thêm các cuộc họp, sự kiện liên quan, trong đó có Hội nghị Thượng đỉnh về bảo hiểm khu vực ASEAN (ASEAN Insurance Summit).
PV: Thị trường bảo hiểm toàn cầu, cũng như khu vực ASEAN hay ngay tại Việt Nam đã và đang cho thấy một số thách thức gặp phải trước tác động suy giảm kinh tế hậu đại dịch Covid-19. Với vai trò là thành viên của AIRM, đồng thời là nước chủ nhà năm nay, cơ quan quản lý thị trường bảo hiểm của Việt Nam sẽ “thể hiện” thế nào để làm nổi bật lên chủ đề “Bền vững, toàn diện và kết nối”, thưa ông?
Ông Ngô Việt Trung: Trong bối cảnh hậu quả của đại dịch COVID-19 chưa được khắc phục triệt để, xung đột địa – chính trị giữa một số nước còn phức tạp, kinh tế thế giới có xu hướng sụt giảm; những yếu tố bất ổn, rủi ro gia tăng như áp lực lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ ở một số nước, niềm tin suy giảm trên thị trường tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm.
Thách thức của thị trường bảo hiểm toàn cầu cơ bản đến từ những thách thức chung từ nền kinh tế, năng lực nhận thức về bảo hiểm còn hạn chế, nhiều sản phẩm bảo hiểm nhưng còn thiếu tính phù hợp, công tác quản trị rủi ro, quy định về kênh phân phối chưa theo sát thay đổi từ thực tiễn của thị trường…
Trong khu vực ASEAN, nhờ lực đỡ từ các nền kinh tế tăng trưởng nhanh, năng động, thị trường bảo hiểm khu vực ASEAN có nhiều điểm sáng hơn. Bên cạnh các yếu tố vĩ mô nền tảng, chúng tôi cho rằng, có sự nỗ lực của các thành viên AIRM trong việc thường xuyên cập nhật, hoàn thiện cơ chế, chính sách, kể cả việc tiên phong áp dụng thí điểm một số cơ chế chính sách nhằm nâng cao sự an toàn về tài chính, tăng cơ hội kinh doanh, tăng khả năng phổ cập về bảo hiểm, tạo điều kiện tiếp cận sản phẩm cho khách hàng; đồng thời, có sự cố gắng của doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội bảo hiểm trong việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng cơ hội kinh doanh…
Tại Hội nghị này, dựa trên đề xuất và mong muốn của các nước thành viên tại Hội nghị AIRM năm trước, năm nay, Việt Nam sẽ dành thời lượng để các thành viên tiếp tục thảo luận về sản phẩm bảo hiểm bền vững tại các nước thành viên ASEAN.
Đặc biệt, trong bối cảnh tài chính toàn diện, có nhiều đan xen về dịch vụ tài chính và sự phát triển của các kênh phân phối, nhất là có là sự đa dạng của hệ thống đại lý bảo hiểm, tại Hội nghị năm nay, bên cạnh việc tham gia thảo luận về các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm bền vững đã đề cập tại các Hội nghị AIRM trước đây, các nước thành viên tham dự sẽ thảo luận về vấn đề “quản lý đại lý nhằm phát triển bền vững thị trường bảo hiểm”. Chúng tôi kỳ vọng rằng, đây sẽ là chủ đề hữu ích và nhận được sự quan tâm thảo luận tích cực, sôi nổi từ phía các đại biểu tham dự Hội nghị năm nay.
PV: Thực tế cho thấy, thị trường bảo hiểm khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế và dư địa phát triển. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Ông Ngô Việt Trung: Bất chấp những thách thức toàn cầu đang diễn ra, các nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản của khu vực ASEAN vẫn mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi các gói kích thích tài khóa và tiền tệ quy mô lớn, cũng như mức tiêu dùng và mở rộng thương mại lớn.
Riêng với Việt Nam, nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã đưa ra các nhận định tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam đạt 5,8% GDP, cao nhất Đông Nam Á và sẽ tăng 6,0% GDP trong năm 2024. Theo báo cáo triển vọng Kinh tế thế giới tháng 10/2023 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam đứng thứ 20 trong danh sách các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với mức tăng trưởng năm 2024 được dự báo đạt 5,8%.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển (Ảnh minh họa: KT)
Cùng với đà phục hồi kinh tế, ASEAN cũng tiếp tục chứng kiến sự phát triển trong lĩnh vực bảo hiểm khi tăng trưởng tổng phí bảo hiểm được duy trì và tổng tài sản bảo hiểm cũng tăng lên với sự gia nhập của các công ty mới trên thị trường; cơ hội phát triển ngành bảo hiểm do số hóa, hợp tác chặt chẽ trong khu vực…
Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận: Hệ thống khuôn khổ pháp lý đối với kinh doanh bảo hiểm liên tục được hoàn thiện; thị trường có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ và môi giới bảo hiểm; các sản phẩm bảo hiểm đã phong phú hơn; nhu cầu sử dụng dịch vụ bảo hiểm của người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tăng…Trong giai đoạn từ 2013 đến 2022, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng trưởng trung bình 18,3%, trong đó, doanh thu thị trường phi nhân thọ tăng bình quân 11,6%; doanh thu nhân thọ tăng trung bình 23,3%.
Năm 2023, cũng giống như một số nước trong khu vực, thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng gặp một số thách thức cơ bản như tôi nói ở trên. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính và đơn vị liên quan, sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự đồng hành của người dân… nhiều giải pháp đã được tăng cường và bước đầu mang lại hiệu quả. Thị trường bảo hiểm Việt Nam kỳ vọng sẽ có sự phát triển theo hướng chất lượng, lành mạnh và bền vững hơn.
Trong tương quan với khu vực và thế giới, quy mô của thị trường bảo hiểm Việt Nam còn khá khiêm tốn, trong khi tiềm năng của thị trường còn lớn – đây là dư địa cho thị trường phát triển tích cực hơn trong thời gian tới.
PV: Với Việt Nam, theo ông thì đâu là giải pháp để thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển hội nhập và tương xứng với tiềm năng hiện có?
Ông Ngô Việt Trung: Với những kết quả đạt được của chặng đường phát triển, cũng như các giải pháp quan trọng đã được triển khai vừa qua, thị trường bảo hiểm Việt Nam kỳ vọng sẽ có bước chuyển tích cực về mặt chất lượng, tạo điều kiện quan trọng cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.
Trong thời gian tới, bên cạnh các giải pháp về tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, đặc biệt là các chính sách liên quan đến giám sát trên cơ sở rủi ro, ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm nghiên cứu phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới, thì việc tăng cường hợp tác quốc tế hiệu quả cũng là một giải pháp quan trọng cần chú trọng.Trong khu vực Đông Nam Á, Hội nghị AIRM và Hội nghị AIC được coi là những hoạt động trung tâm của hoạt động hợp tác bảo hiểm trong khu vực và trong thời gian qua, đã được các nước thành viên tham gia rất tích cực. Qua đó, các nước thành viên đã có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ, cập nhật thông tin, kinh nghiệm quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm toàn diện, bền vững cũng như các kiến nghị, sáng kiến của khối doanh nghiệp bảo hiểm…
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phát triển kinh tế bền vững, giải quyết tốt an sinh xã hội là mục tiêu mà Việt Nam và nhiều nước cũng như các nước trong khu vực đều hướng tới. Chúng tôi hy vọng rằng, với sự hợp tác chặt chẽ trong nội khối, trong đó có tiến trình hợp tác tài chính, bảo hiểm, lĩnh vực bảo hiểm sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, góp phần tích cực trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội mỗi nước cũng như trong toàn khu vực.
PV: Xin cảm ơn ông!