Tương tự khối nhân thọ, khi kênh bán bảo hiểm
qua ngân hàng (bancassurance) đang trở thành mũi nhọn thứ hai sau kênh
đại lý, hoạt động bancassurance của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng
đang diễn ra tình trạng cạnh tranh vô cùng gay gắt.
Trên thực tế, dù các động thái bắt tay hợp tác với ngân hàng của
các công ty bảo hiểm thời gian qua khá rầm rộ, nhưng kết quả của hoạt động
bancassurance ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng, cũng như kỳ vọng
của các công ty bảo hiểm.
Tuy nhiên, về xu hướng lâu dài, bancassurance được đánh giá có
triển vọng phát triển tốt, bởi các dịch vụ của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang
ngày càng hoàn thiện, tỷ lệ người giao dịch qua ngân hàng và sử dụng thẻ ATM,
thẻ ghi nợ (debit card), thẻ tín dụng (credit card),… ngày càng tăng cao. Điều
quan trọng hơn cả là các ngân hàng ngày càng chú trọng đến lợi ích từ việc hợp
tác với các công ty bảo hiểm để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Chính vì triển
vọng tươi sáng của kênh bancassurance mà trong thời gian gần đây, đặc biệt
trong những tháng đầu năm 2015, thị trường bảo hiểm liên tục chứng kiến những
cái bắt tay hợp tác với ngân hàng của các công ty bảo hiểm, ở cả hai khối nhân
thọ và phi nhân thọ. Tuy nhiên, việc ký kết hợp tác chỉ là động thái khởi đầu
cho một mối quan hệ mới. Còn kết quả của mối quan hệ này có tốt đẹp như các bên
mong đợi hay không thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Đại diện một công ty bảo
hiểm phi nhân thọ đã triển bancassurance khá sớm nhìn nhận rằng, ngân hàng là
một kênh bán bảo hiểm quan trọng ở nhiều quốc gia, phù hợp với nhu cầu one-stop
shopping (mua nhiều sản phẩm, dịch vụ từ cùng một nơi) của khách hàng. Ở Việt
Nam, Công ty cũng đã ký kết thoả thuận hợp tác với một số ngân hàng, nhưng thực
tế doanh thu từ kênh này chưa cao.
Vị đại diện này cũng
tiết lộ, mức độ cạnh tranh trong kênh phân phối này rất khốc liệt, vì công ty
bảo hiểm phải làm hài lòng không chỉ khách hàng và lãnh đạo ngân hàng, mà còn
cả đội ngũ nhân viên tín dụng.
“Muốn làm bancassurance
phải chịu chi nhiều, các công ty bảo hiểm không chấp nhận chi bạo thường là sẽ
không có lợi thế cạnh tranh”, vị đại diện trên cho biết.
Thực trạng này không chỉ
xảy ra với bảo hiểm phi nhân thọ, khối bảo hiểm nhân thọ cũng chịu tình cảnh
tương tự. Một nguồn tin chia sẻ với ĐTCK rằng, để mở rộng bancassurance, có
doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẵn sàng chi trả cho ngân hàng số tiền lớn, có thể
cao hơn cả số tiền thu về thực tế. Tất nhiên, không phải tất các doanh nghiệp
bảo hiểm làm bancassurance đều “chịu chơi và chịu chi” như vậy, mà tùy thuộc
vào chiến lược và mục đích của từng công ty.
Việc phát triển
bancassurance nảy sinh một vấn đề khác, đó là việc các ngân hàng có thể hợp tác
với nhiều công ty bảo hiểm, nên dẫn đến việc công ty bảo hiểm nào “chăm sóc”
ngân hàng, nhân viên ngân hàng tốt thì sản phẩm của công ty đó sẽ được giới
thiệu với khách hàng nhiều hơn.
Đại diện một công ty bảo
hiểm phi nhân thọ đang có chiến lược mở rộng bancassurance thừa nhận, doanh thu
phí bảo hiểm của Công ty tăng trưởng khá tốt. 6 tháng đầu năm, doanh thu qua
kênh bancassurance tăng khoảng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, doanh
thu này đến chủ yếu từ việc liên kết với ngân hàng trong hệ thống chứ không
phải ngân hàng bên ngoài đã ký kết.
Các chuyên gia trong
ngành nhìn nhận, tại thị trường Việt Nam, thách thức đối với kênh bancassurance
còn non trẻ là sự cạnh tranh bắt đầu trở nên gay gắt giữa các công ty bảo hiểm,
nhất là khi việc một ngân hàng hợp tác bán sản phẩm với các công ty bảo hiểm
nhân thọ khác nhau có thể dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh. Chính vì vậy,
với những công ty bảo hiểm nhân thọ coi bancassurance là mục tiêu chiến lược,
việc đẩy mạnh kênh phân phối này cần được thực hiện hết sức thận trọng.
Ngoài việc đẩy mạnh hợp
tác độc quyền dài hạn với các ngân hàng, các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng
đang có kế hoạch phát triển những dòng sản phẩm bảo hiểm dành riêng cho đối
tượng khách hàng của các ngân hàng mà họ đang hợp tác. Độc quyền bancassurance
hiện chưa diễn ra ở khối phi nhân thọ, tuy nhiên, những ngân hàng lớn có vốn
chi phối ở các công ty bảo hiểm cũng chỉ bán sản phẩm cho công ty bảo hiểm của
mình. Việc ký kết hợp tác thêm với các ngân hàng khác là việc vẫn phải làm của
các công ty bảo hiểm nhân thọ, cho dù không kỳ vọng doanh thu cao.
Đối với các công ty bảo
hiểm nhân thọ, trong thời điểm hiện tại, cần phải tính toán và chuẩn bị kỹ càng
những điều khoản dự phòng trước khi quyết định hợp tác với một ngân hàng nào,
bởi “làn sóng” M&A giữa các ngân hàng có thể khiến phát sinh những rủi ro
mới.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn