TPP được dự báo sẽ mở
ra triển vọng thương mại tốt hơn với Việt Nam để cân bằng quan hệ thương mại
với các khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực
thị trường.



Đó là khẳng định của
TS. Lương Văn Khôi, Trưởng ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã
hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khi đánh giá tác động của tình hình kinh
tế thế giới giai đoạn 2016-2020.

Năm 2014, cùng với
những nỗ lực điều hành ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tăng trưởng GDP của Việt Nam
đạt 5,98%, vượt trên nhiều dự báo, đưa Việt Nam trở thành nước có tốc độ tăng
trưởng GDP cao thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Cán cân thương mại sẽ được cân
bằng


Đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới đến năm 2020 được đánh giá
khá thuận lợi, khi kinh tế đã dần thoát khỏi tác động tiêu cực của cuộc khủng
hoảng tài chính toàn cầu 2008 và nhiều khả năng sẽ trở lại đà tăng ổn định
trong thời gian tới.

“Điều này sẽ là yếu tố tác động tích cực đến nền kinh tế Việt
Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư” – TS. Khôi nhận định.

Tuy nhiên, những yếu tố quan trọng tác động đến tăng trưởng và
ổn định kinh tế Việt Nam từ nay đến năm 2020 là việc nâng cao hơn nữa hiệu lực
thực thi chính sách trong đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc, đổi mới mô hình
tăng trưởng kinh tế và tận dụng tốt thời cơ hội nhập.

Theo đó, trong lĩnh vực thương mại, TS. Khôi cho rằng Hiệp định
TPP sẽ có tác động lan tỏa tích cực tới thương mại Việt Nam khi mở ra triển
vọng thương mại tốt hơn. Việt Nam sẽ cân bằng được quan hệ thương mại với các
khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị
trường nhất định.

“Khi tham gia vào TPP, các hàng rào thuế quan sẽ được xóa bỏ,
điều này sẽ giúp ích cho cho xuất khẩu. Mức thuế bằng 0% thì hàng dệt may và
giày dép Việt Nam sẽ đứng trước cơ hội lớn mở rộng thị phần, đặc biệt là Mỹ. Cơ
hội cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực khác như thủy sản, đồ gỗ và nông sản
cũng rất lớn” – TS. Khôi nói.

Thêm vào đó, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi lớn từ làn sóng
đầu tư mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để
tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và
toàn cầu.

Sẽ có làn sóng đầu tư mới trong
TPP


Tuy nhiên, TS. Khôi cho rằng Chính phủ cần có chính sách kinh tế
thương mại toàn diện để tận dụng những cơ hội và hạn chế những thách thức đối
với nền kinh tế. Trong đó chú trọng đến việc giảm nhập khẩu hàng nhóm hàng
trung gian, đặc biệt là nhóm hàng bán thành phẩm, nâng cao hàm lượng giá trị
gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh
tế.

Đặt trong bối cảnh đồng USD sẽ tiếp tục lên giá so với nhiều
đồng tiền khác trên thế giới, TS. Khôi cho rằng do tỷ giá được neo giữ với đồng
USD sẽ tăng giá nhẹ so với đồng USD, điều này đương nhiên sẽ gây khó khăn cho
hoat động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Về hoạt động đầu tư, triển vọng ký kết hiệp định TPP đã thúc đẩy
các dòng vốn đầu tư nước, đặc biệt là dòng vốn FDI vào lĩnh vực chế tác như dệt
may, giày dép; TPP cũng sẽ thúc đẩy làn sóng FDI và dòng vốn đầu tư gián tiếp
mới từ Mỹ vào Việt Nam nhờ môi trường đầu tư trong nước được minh bạch hóa theo
các tiêu chuẩn của Mỹ.

Ngoài ra, chi phí lao động của Trung Quốc tăng lên cũng là yếu
tố thúc đẩy dòng vốn FDI vào lĩnh vực chế tác của Việt Nam trong những năm tới.
Vì vậy, TS. Khôi cho rằng Chính phủ cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu
hốt vốn FDI trong đó, cần phải có các chính sách ưu tiên thu hút vốn FDI vào
các lĩnh vực như công nghệ cao, công nghệ sạch, dịch vụ…

Theo cafef.vn