Trao đổi về việc Bộ Công an kiên quyết phạt xe không chính chủ trong khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã rút đề xuất này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam giải thích, từ năm 1995, Điều lệ An toàn giao thông đường bộ đã có quy định xử phạt người điều khiển phương tiện nếu phương tiện đó không chính chủ. 10 năm sau, nhận thức đã thay đổi, dù vẫn quy định nghĩa vụ đăng ký sở hữu, cấp biển số quốc gia với phương tiện cơ giới đường bộ nhưng việc xử phạt chuyển từ người điều khiển phương tiện sang chủ phương tiện.
Ông Đam đề cập, cuối năm 2012, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) hướng dẫn không đúng tinh thần quy định đó, chuyển sang truy vấn người điều khiển về nguồn gốc phương tiện đang đi. Việc đó bị “thổi còi”, chấn chỉnh lại.
Quy định buộc phải đăng ký chính chủ, theo ông Đam lý giải, vì đây là một loại tài sản có giá trị của người dân. Để giúp người dân bảo vệ quyền sở hữu chính đáng của mình đối với tài sản, cơ quan quản lý yêu cầu phải đăng ký. Ngoài ra, phương tiện cơ giới đường bộ có thể là một nguồn nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân. Phương tiện đó cũng có thể là công cụ để thực hiện các hành vi phạm tội khác. Có quy định đăng ký chính chủ nên cũng cần những chế tài xử phạt để đảm bảo thực hiện.
“Còn việc xử phạt vi phạm trước hết phải đúng đối tượng, tức là không xử phạt người điều khiển phương tiện mà phạt chủ phương tiện giao thông. Quy định về việc xử phạt đó có thể ở thông tư này, nghị định kia nhưng tóm lại là phải có ở đâu đó trong hệ thống pháp luật” – ông Đam lập luận.
Thống kê sơ bộ, cả nước hiện có trên 10 triệu xe máy “không chính chủ”, có phần nguyên nhan do nhưng bất cập trong quản lý trước đây. Có giai đoạn, quan điểm sai lầm về việc hạn chế số lượng xe đăng ký đã dẫn đến hệ quả nhiều người phải nhờ người khác đứng tên hộ khi mua xe. Vì vậy, theo ông Đam, phải có giải pháp để tạo điều kiện cho người dân khắc phục “lỗi”… không chính chủ này.
Việc giảm lệ phí trước bạ khi sang tên đổi chủ, đơn giản hóa thủ tục, theo đó, cũng là để tạo điều kiện cho người dân thực hiện chuyển đổi đúng quy định. Nhưng để giải quyết được chàng chục triệu phương tiện này, cần phải có thời gian. Việc quan trọng hiện tại, người đứng đầu Văn phòng Chính phủ chỉ rõ là phải có chế tài cũng như tuyên truyền để những phương tiện đăng ký mới không vi phạm.
“Nhưng tuyệt đối không được gây khó khăn cho người dân” – ông Đam nhấn mạnh.
Về ý kiến cho rằng 2 thông tư – số 11 (hướng dẫn xử phạt trong lĩnh vực GTVT, trong đó có nội dung không thực hiện sang tên đổi chủ) và số 12 (hướng dẫn đăng ký lại xe cho thuận lợi hơn) của Bộ Công an đang “đá” nhau, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng có kiến giải.
Cụ thể, thông tư 12 thể hiện hướng chỉ đạo của Chính phủ tạm dừng việc xử phạt xe không chính chủ đến năm 2014 để “gỡ” thực trạng vướng mắc, bất cập trước nay. Tuy nhiên, thông tư 11 sẽ có hiệu lực từ 15/4 tới vẫn kiên quyết xử lý lỗi không chính chủ này.
Ông Đam lý giải: “Không bắt ngay lập tức 10 triệu xe máy không chính chủ. Bộ Công an đã bỏ việc dừng phương tiện để kiểm tra “lỗi” này tức không truy vào người điều khiển phương tiện. Nhưng ở các điểm đăng ký xe, lực lượng có trách nhiệm “truy” việc có chính chủ hay không”.
Tán thành với quan điểm của Bộ Công an là cần thiết có biện pháp nhắc nhở và chế tài để xử phạt khi vi phạm nhưng ông Đam cũng cho biết, Chính phủ cũng quán triệt Bộ Công an không “mở chiến dịch để đụng đâu là phạt ngay hơn 10 triệu phương tiện không chính chủ”. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng thông tin, lãnh đạo Bộ Công an đã khẳng định không chỉ đạo “xử lý triệt để” mà quy định chế tài là để hướng người dân vào việc khắc phục bất cập, tránh để phát sinh vi phạm mới và tạo điều kiện cho người dân đăng ký lại phương tiện của mình.
Ông Đam chia sẻ, những người được ông hỏi ý kiến đều phát biểu, nếu thủ tục đơn giản và chi phí không đáng kể, ai cũng muốn “chính danh” đứng tên chủ sở hữu phương tiện của mình. Có điểm khó xử lý ở bộ phận phương tiện qua tay quá nhiều đời chủ, khó truy nguyên chủ cũ thì cần có quá trình xử lý dần dân nhưng vấn đề rất quan trọng là đảm bảo không có vi phạm mới phát sinh.
Về vấn đề quan điểm “đá” nhau giữa 2 bộ, người đứng đầu Văn phòng Chính phủ phân tích, thực tế không ít vấn đề đặt ra có liên quan tới nhiều bộ ngành khác nhau. Trong việc này, Bộ GTVT liên quan ở góc độ đảm bảo an toàn giao thông. Còn Bộ Công an liên quan ở góc độ bảo vệ quyền sở hữu tài sản và yêu cầu truy nguyên khi phương tiện tham gia vào việc thực hiện hành vi phạm tội.
Chính phủ sẽ bàn và bỏ phiếu tập thể về vấn đề này và dù thể hiện trong văn bản nào, đương nhiên hành vi không thực hiện việc sang tên đổi chủ vẫn phải được quy định để xử lý. “Bộ GTVT đề nghị rút thì không có nghĩa hành vi đó không bị xử lý nữa mà việc rút ra đồng nghĩa phải đặt nó vào chỗ nào khác” – ông Đam quả quyết.
Theo Dantri