Ngày 10.042014, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có công văn số 0736/PTM-VPHH ngày 10.04.2014 gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam về việc tham dự và phản ánh khó khăn, vướng mắc, đề xuất, giải pháp tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ các hiệp hội, doanh nghiệp ngày 28.04.2014.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã tổng hợp một số khó khăn vướng mắc và kiến nghị của các doanh nghiệp bảo hiểm gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành như sau: 1. Đề nghị Chính phủ sử dụng bảo hiểm như là một công cụ tài chính thu hút nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế với nguồn vốn trung dài hạn mua trái phiếu Chính phủ, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình kinh tế trọng điểm, phúc lợi xã hội. Năm 2013 các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư vào nền kinh tế quốc dân 105.000 tỷ đồng. Đó là nguồn vốn chủ sở hữu và dự phòng nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ mặc dù hợp đồng bảo hiểm ngắn hạn (≤ 1 năm) nhưng dự phòng nghiệp vụ (phí chưa được hưởng, bồi thường, giao động lớn) được bổ sung hàng năm (theo tốc độ tăng trưởng), nếu không hoàn nhập dự phòng của năm trước thì có thể coi là nguồn vốn dài hạn. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ với hợp đồng có thời hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm, suốt đời thì dự phòng nghiệp vụ là nguồn vốn dài hạn. Vì vậy, cần có chế độ khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trái phiếu của các cơ quan, doanh nghiệp phát hành có bảo lãnh của Chính phủ.
2. Đề nghị Chính phủ sử dụng bảo hiểm như là một công cụ thực hiện các chính sách an sinh xã hội, ổn định ngân sách Nhà nước (không phải chi đột xuất cho các sự cố thiệt hại do thiên tai tai nạn bất ngờ, cứu tế, cứu trợ xã hội) như bảo hiểm tài sản (nhất là tài sản của Nhà nước), bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, bảo hiểm tai nạn và chi phí y tế, bảo hiểm hưu trí tự nguyện. bảo hiểm chi trả khi con cái người tham gia bảo hiểm tham dự các khóa học đào tạo nghề hoặc đại học, cưới xin, mua căn hộ ra ở riêng…
Vì vậy, đề nghị Chính phủ nếu có chính sách cho người nghèo cần trợ cấp một phần phí bảo hiểm cho họ tham gia bảo hiểm như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tài sản của nông dân vùng chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai và biến đổi khí hậu, bảo hiểm tính mạng, thương tật toàn bộ vĩnh viễn (cho người nghèo).
Đồng thời Chính phủ cần cần quy định người quản lý, khai thác, sử dụng tài sản được hình thành từ vốn Nhà nước phải mua bảo hiểm. Nếu thiệt hại tài sản do thiên tai, tai nạn bất ngờ xảy ra mà không mua bảo hiểm, không được bồi thường thiệt hại thì người quản lý, sử dụng, khai thác tài sản đó phải bồi thường.
3. Đề nghị Chính phủ có giải pháp chỉ đạo cương quyết để phòng chống trục lợi bảo hiểm. Khi bảo hiểm phát triển, người dân càng hiểu biết về bảo hiểm thì việc trục lợi bảo hiểm xảy ra mức độ đa dạng, phức tạp, tinh vi hơn. Song nếu phát hiện ra, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ từ chối bồi thường mà đương sự không bị xử lý, nếu không phát hiện thì họ bỏ ra số tiền mua bảo hiểm rất nhỏ ≤ 1% nhưng thu về số tiền rất lớn. Số tiền bồi thường không phải là của doanh nghiệp bảo hiểm mà được hình thành từ phí bảo hiểm do doanh nghiệp, người dân, cơ quan chính quyền hành chính sự nghiệp (tiền ngân sách Nhà nước) đóng góp. Vì vậy đề nghị Chính phủ có giải pháp phòng chống trục lợi bảo hiểm:
– Đưa trục lợi bảo hiểm vào tội phạm hình sự (sửa đổi bổ sung Luật Hình sự) để xử lý nghiêm minh, răn đe ngăn chặn.
– Cho phép các tổ chức tiến hành giám định nguyên nhân và hậu quả của tổn thất. Kết luận của các tổ chức này mang tính khách quan được doanh nghiệp bảo hiểm và người được bảo hiểm chấp thuận, đồng thời phát hiện được trục lợi bảo hiểm.
+ Các cơ quan giám định của Nhà nước được làm dịch vụ công (tính đúng, tính đủ chi phí giám định) khi tiến hành các vụ việc giám định do doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người tham gia bảo hiểm yêu cầu như Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra, Cảnh sát PCCC, Pháp y trung ương, Pháp y quân đội, giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
+ Các doanh nghiệp hành nghề giám định trong đó có chức năng nhiệm vụ giám định nguyên nhân và mức độ thiệt hại được bảo hiểm.
– Cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm kéo dài thời hạn giải quyết bồi thường với những vụ việc có dấu hiệu nghi ngờ trục lợi bảo hiểm để đủ thời gian cho cơ quan điều tra đưa ra kết luận cuối cùng. Đồng thời doanh nghiệp bảo hiểm cần có sự ủng hộ hỗ trợ của cơ quan điều tra khi có yêu cầu điều tra về trục lợi bảo hiểm.
4. Đề nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh không có đủ khả năng tài chính mua bảo hiểm cho nhà xưởng, máy móc, vật tư, thiết bị, hàng hóa, tài sản. Cho phép ngân hàng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh vay tiền đóng phí bảo hiểm để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở này khi nhu cầu bảo hiểm là không thể thiếu được trước các rủi ro thiên tai, tai nạn rình rập, nhất là các ngành nghề vận tải biển, đánh bắt xa bờ, vận tải thủy nội địa, xuất nhập khẩu hàng hóa, chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản…
5. Đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư tiền nhàn rỗi từ vốn chủ sở hữu và dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đầu tư vào các công trình phục vụ cho chính khách hàng tham gia bảo hiểm: xây dựng bệnh viện, trường học, nhà ở (đối với người tham gia bảo hiểm mong muốn được điều trị tại bệnh viện chất lượng cao, con cái sau này được đào tạo tại trường học tiên tiến, được ở căn hộ bình dân hoặc cao cấp).
6. Đề nghị Chính phủ quan tâm tới bảo hiểm cháy nổ bắt buộc khi ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC. Cụ thể là:
– Đưa các cơ sở tổ chức các hoạt động thu hút nhiều người tham gia vào đối tượng có nguy hiểm cao về cháy nổ vì khó kiểm soát hành vi gây cháy nổ của người tham gia (hút thuốc, thắp hương…) đồng thời nếu cháy nổ xảy ra, hậu quả về tính mạng, sức khỏe của con người là rất lớn.
– Cần phải bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ khi vụ việc cháy nổ của cơ sở này lây lan hoặc gây thiệt hại cho người thứ ba (người lân cận) như hậu quả thiệt hại do thực hiện lệnh của người chỉ huy PCCC phải tháo dỡ, phá tài sản xung quanh để mở đường tạo điều kiện cho lực lượng PCCC vào chữa cháy, hậu quả tài sản người lân cận bị nước chữa cháy phun vào, bị khói và nhiệt độ nơi gây cháy phá hỏng.
– Bỏ nghĩa vụ đóng 5% doanh thu phí bảo hiểm cháy nổ cho lực lượng cảnh sát PCCC vì: Việt Nam gia nhập WTO nên không thể bắt các nhà nhận tái bảo hiểm nước ngoài trừ 5% phí tái bảo hiểm vì lý do nộp kinh phí PCCC (theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ giữ lại 5% mức trách nhiệm bảo hiểm tương đương với 5% vốn chủ sở hữu tương đương 15 tỷ đồng, giá trị tài sản được bảo hiểm lớn hơn mức giữ lại này phải tái ra nước ngoài từ 70% đến 99%). Đồng thời Luật Kinh doanh bảo hiểm cho phép doanh nghiệp bảo hiểm trích 2% doanh thu phí bảo hiểm làm công tác đề phòng hạn chế tổn thất. Vì vậy nếu nộp kinh phí PCCC tối đa chỉ là 2%.
Theo AVI