Theo lộ trình, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành vào cuối năm 2015, với những cam kếttự do hóa hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có bảo hiểm. Thiết nghĩ việc tìm hiểu đặc điểm chung của bảo hiểm khu vực ASEAN cũng như của từng nước thành viên ASEAN – những đối tác, hoặc đối thủ cạnh tranh bình đằng với chúng ta trong tương lai gần là một việc cần thiết. Bản tin “Bảo hiểm và đời sống” số 61+62 (tháng 1 + tháng 2 năm 2014) có bài “AEC2015 và cơ hội đối với doanh nghiệp bảo hiểm”. Trong số bản tin này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu với bạn đọc vê ngành bảo hiểm Indonesia – đất nước lớn nhất trong khối ASEAN.

ĐÔI NÉT VỀ NƯỚC INDONESIA


Indonesia là quốc gia nằm giữa hai lục địa Đông Nam Á và Châu Đại Dương bao gồm 13.487 hòn đảo (nên còn được gọi là “đất nước Vạn Đảo”, với dân số khoảng 247 triệu người, đứng thứ tư thế giới về dân số và đứng đầu trong khối ASEAN (chiếm khoảng 40% tổng dân số ASEAN). Cơ cấu dân số: từ 0-19 tuổi: 28%; từ 19-65 tuổi: 67%; trên 65 tuổi: 5%. Tốc độ tăng dân số trung bình 1,1%. Tuổi thọ trung bình nam: 69,07; nữ: 74,29. Tổng thu nhập quốc dân đạt 878 tỷ USD, lớn nhất trong khối ASEAN. Thu nhập đầu người năm đạt 3.592 USD. Lạm phát 4,3% (số liệu năm 2012). Indonesia là một thành viên sáng lập của ASEAN và là thành viên của G-20 nền kinh tế lớn trên thế giới. Nền kinh tế Indonesia là nền kinh tế thứ 16 toàn cầu theo GDP danh nghĩa và thứ 15 theo sức mua tương đương.

NGÀNH BẢO HIỂM INDONESIA


Ngành bảo hiểm Indonesia hiện tại đang đứng đầu khu vực ASEAN về quy mô. Năm 2012, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt gần 14 tỷ USD. Tuy nhiên tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm (phí bảo hiểm/GDP) của Indonesia còn ở mức thấp (1,64%, trong đó nhân thọ 1,15%, phi nhân thọ 0,49%) nếu so với các nền bảo hiểm phát triển hơn trong khu vực như Singapore (6,68%), Thái Lan (4,90%), Malaysia (1,96%).

Về bảo hiểm phi nhân thọ: Doanh thu phí 2013 đạt khoảng 4,1 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với 2012 và dự kiến tiếp tục tăng trưởng hơn 20% trong năm 2014. Tốc độ tăng trưởng trung bình của bảo hiểm phi nhân thọ trong vòng 10 năm gần đây xấp xỉ 20% và được dự đoán sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số trong vài năm tới. Công ty tái bảo hiểm Munich Re dự đoán doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ của Indonesia sẽ đạt trên 10 tỷ USD vào năm 2020. Cơ cấu doanh thu phí bảo hiểm: xe cơ giới: 28%; Tài sản: 27%; Tai nạn con người, sức khỏe: 13%; Hàng hóa: 6,3%; Bảo hiểm kỹ thuật: 3,2%; Thân tàu: 3%; Hàng không : 3,6%; Năng lượng: 2,4%; Trách nhiệm công cộng : 2%; Bảo hiểm tín dụng, bảo lãnh: 5%; Các loại hình bảo hiểm khác: 6,5%. Tổng tài sản của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đạt 9 tỷ USD; Tổng vốn đã góp: 1,3 tỷ USD; Tổng vốn chủ sở hữu: 3,8 tỷ USD (năm 2012).

Về bảo hiểm nhân thọ: Doanh thu phí 2012 đạt 10,11 tỷ USD, trong đó phí năm đầu tiên khoảng 3,1 tỷ USD, phí tái tục khoảng 3,2 tỷ USD, phí đóng một lần khoảng 3,8 tỷ USD. Bảo hiểm nhân thọ trong những năm gần đây cũng có đà tăng trưởng rất ấn tượng, trung bình tăng trưởng hàng năm 25% trong 5 năm gần đây.

Tính đến đầu tháng 04.2014, Indonesia có 64 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, 44 công ty bảo hiểm nhân thọ, 4 công ty tái bảo hiểm. Ngoài các công ty bảo hiểm, ở Indonesia còn có một số dạng tổ chức bảo hiểm (thường cung cấp các loại hình bảo hiểm vi mô), như: Arisans (một dạng hội tiết kiệm và tín dụng quay vòng); Pasar Kosortium (cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô, trong đó có một sản phẩm tương đối phổ biến là bảo hiểm cháy các khu chợ truyền thống, trung tâm thương mại cho các hộ tiểu thương, chủ sạp hàng); Takaful (hệ thống bảo hiểm theo Luật Hồi giáo, đáp ứng những nhu cầu bảo vệ trong cộng đồng Hồi giáo. Hiện tại Indonesia có 3 công ty bảo hiểm takaful gia đình và 17 “Hợp tác xã” takaful).

Ở Indonesia, có 2 loại hình bảo hiểm bắt buộc chính là bảo hiểm trách nhiệm chủ xe cơ giới và bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội cho người làm công (gọi là Asuransi Sosial Tenaga Kerja- ASTEK) khởi đầu cho hệ thống an sinh xã hội của Indonesia vào năm 1977. Từ năm 1992, sau khi Indonesia ban hành Luật An sinh xã hội cho người lao động thuộc khối nhà nước và tư nhân, ASTEK được chuyển đổi thành JAMSOSTEK (Jaminan Sosial Tenaga Kerja) – bảo hiểm xã hội cho người làm công trong các cơ sở tư nhân – một chương trình bảo hiểm bắt buộc cho người làm công đối với các rủi ro như thương tật, tử vong, ốm đau và tuổi già.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ HIỆN TẠI CỦA THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM INDONESIA


Indonesia là một thị trường tương đối mở. Số lượng các công ty bảo hiểm nhiều, quy mô các công ty bảo hiểm thường ở mức nhỏ và vừa, do trước đây các quy định về vốn góp tối thiểu để thành lập công ty ở mức thấp. Sau này, cơ quan quản lý điều chỉnh mức quy định vốn góp bắt buộc, theo đó các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm phải tăng vốn góp tối thiểu lên theo lộ trình 3 bước : đến thời điểm 31/12/2010 tăng lên tối thiểu 40 tỷ IDR (3,5 triệu USD) đối với công ty bảo hiểm gốc, 100 tỷ IDR (8,8 triệu USD) đối với công ty tái bảo hiểm; đến thời điểm 31.12.2012 tăng lên 70 tỷ IDR (6,15 triệu USD) đối với công ty bảo hiểm gốc, 150 tỷ IDR (13,19 triệu USD) đối với công ty tái bảo hiểm; đến thời điểm 31.12.2014 tăng lên 100 tỷ IDR (8,8 triệu USD) đối với công ty bảo hiểm gốc, 200 tỷ IDR (17,6 triệu USD) đối với công ty tái bảo hiểm. Vì vậy, trong vài năm gần đây đang diễn ra làn sóng mua bán sáp nhập các công ty bảo hiểm. Nếu như năm 2006, Indonesia có 97 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, đến năm 2011 còn 83 công ty, 2012 còn 81 công ty, đầu năm 2014 còn 64 công ty. Hiện vẫn còn khoảng 20 công ty đang tiếp tục phải cố gắng để đáp ứng được quy định về vốn góp tối thiểu vào hạn 31/12/2014. Vì vậy, làn sóng mua bán sáp nhập trong năm 2014 là không thể tránh khỏi.

Quy định mới về vốn góp sẽ mang lại lợi ích của ngành bảo hiểm Indonesia trong dài hạn. Trước đây, do quy định về vốn góp thấp, việc thành lập công ty bảo hiểm tương đối dễ dàng, quản lý lỏng lẻo, nên chất lượng dịch vụ bảo hiểm ở Indonesia thấp. Trình độ lao động ngành bảo hiểm nói chung ở mức thấp, do sự ra đời tràn lan các công ty. Do cạnh tranh khốc liệt để tồn tại nên sự gắn kết về chuyên môn hoặc chia sẻ dịch vụ thông qua tái bảo hiểm của các công ty cũng hạn chế. Ts Firdaus Djaelani, Giám đốc Khối các tổ chức tài chính phi ngân hàng thuộc Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính Indonesia (Otoritas Jasa Keuangan- OJK) đã nhận xét về những tồn tại của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ như sau: thứ nhất là các công ty bảo hiểm phi nhân thọ chủ yếu cạnh tranh về giá (phí bảo hiểm), không cạnh tranh về chất lượng dịch vụ; thứ hai là chưa tối đa hóa năng lực nhận tái bảo hiểm của các công ty trong nước. Ngoài 2 vấn đề trên, một số chuyên gia cũng đề cập đến các vấn đề khác của thị trường Indonesia như là thị trường bảo hiểm dưới giá trị, đặc biệt đối với rủi ro thiên tai, và thực hiện tái bảo hiểm chưa đầy đủ. Theo Fitch Ratings, ngành bảo hiểm phi nhân thọ của Indonesia sẽ gặp áp lực đáng kể nếu có sự gia tăng bất thường các tổn thất được bảo hiểm từ các sự kiện thiên tai. Về tái bảo hiểm, trong khi năng lực tái bảo hiểm ở thị trường Indonesia chủ yếu vẫn là từ các công ty tái bảo hiểm quốc tế, một số công ty tái bảo hiểm quốc tế đã không tiếp tục ký hợp đồng tái bảo hiểm cố định tỷ lệ với các công ty bảo hiểm gốc Indonesia, thay vào đó họ muốn ký hợp đồng tái bảo hiểm vượt mức bồi thường, gắn chặt chẽ việc tính phí tái bảo hiểm phản ánh đủ chi phí rủi ro thảm họa thiên tai. Ngoài ra, đề xuất về Giới hạn bồi thường Rủi ro thiên tai (CAT Limit) cũng ảnh hưởng đến năng lực bảo hiểm và giá phí bảo hiểm các chương trình bảo hiểm rủi ro thiên tai của Indonesia.

Về bảo hiểm nhân thọ, vấn đề chủ yếu nhất là sự thiếu hụt đội ngũ chuyên gia tính toán bảo hiểm (actuary). Ngoài ra, còn có các vấn đề như lạm phát, lãi suất tiết kiệm tăng cao, phá giá đồng Rupi, tăng thâm hụt ngân sách và xu hướng nguồn vốn nước ngoài đang rút dần khỏi thị trường trong một vài năm gần đây. Mặc dù vậy, Indonesia vẫn được nhìn nhận là một thị trường hấp dẫn đối với bảo hiểm nhân thọ, với những ưu thế như số lượng dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ, kinh tế phát triển nhanh dẫn đến mối năm có thêm 3 triệu người dân trung lưu; tỷ lệ tham gia bảo hiểm còn thấp.

CƠ QUAN QUẢN LÝ DỊCH VỤ TÀI CHÍNH INDONESIA (OJK) VÀ “KỶ NGUYÊN GIÁM SÁT MỚI”

Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính Indonesia (Otoritas Jasa Keuangan – OJK), mới thành lập được khoảng hơn 1 năm, trên cơ sở sáp nhập một số tổ chức quản lý tài chính của Indonesia (trước thuộc Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Indonesia) vào một tổ chức chung. Theo Ts Firdaus Djaelani, một trong những ưu tiên chủ yếu của cơ quan quản lý bảo hiểm Indonesia trong thời gian này là phải can thiệp để quản lý việc cạnh tranh về giá (phí bảo hiểm) trong bảo hiểm phi nhân thọ. OJK đang triển khai việc thành lập tổ chức định phí, với mục tiêu xây dựng biểu phí tham khảo cho các loại hình nghiệp vụ bảo hiểm khác nhau, các công ty bảo hiểm sẽ phải chào phí dựa trên biểu phí tham khảo đó, chỉ được điều chỉnh trong phạm vi cho phép. Mặc dù chưa thành lập được tổ chức định phí, tháng 1/2014 OJK đã ban hành biểu phí tham khảo đối với một số loại hình bảo hiểm đang bị cạnh tranh gay gắt về tỷ lệ phí bao gồm biểu phí tham khảo rủi ro động đất, lũ lụt; biểu phí cơ bản của bảo hiểm tài sản, ô tô. Các biểu phí này do các chuyên gia của OJK và Hiệp hội bảo hiểm phi nhân thọ Indonesia xây dựng và hoàn thành vào tháng 12.2013. Việc đưa ra được biểu phí tham khảo cho một số nghiệp vụ và rủi ro, áp dụng từ tháng 01.2014 là một trong những tiến bộ trong nỗ lực quản lý việc cạnh tranh về phí bảo hiểm gay gắt hiện nay.

Ưu tiên thứ hai của OJK là tối đa hóa năng lực nhận tái bảo hiểm của Indonesia. Nỗ lực thực hiện việc này là việc thành lập một Tổng công ty tái bảo hiểm quốc gia mới trên cơ sở sáp nhập một công ty tái bảo hiểm 100% thuộc sở hữu nhà nước với 2 công ty tái bảo hiểm mà nhà nước đang sở hữu 50% – dự kiến việc sáp nhập sẽ được thực hiện trong năm 2014. Bằng cách có được một công ty tái bảo hiểm mạnh hơn, Indonesia hy vọng sẽ giảm được “thâm hụt cán cân” trong lĩnh vực tái bảo hiểm.

Ưu tiên thứ ba là tăng cường giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm ở cả 3 phương diện : quản lý các rủi ro tài chính, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. OJK sẽ thực hiện giám sát chặt chẽ hơn các công ty có mức rủi ro cao thể hiện trong các sổ sách, báo cáo hoạt động, tài chính.

Để nâng cao năng lực quản trị của lãnh đạo các công ty bảo hiểm, tài chính, chứng khoán…, ngày 21.11.2013, OJK đã ban hành một quy định mới về Kiểm tra tính tuân thủ và phù hợp đối với các nhân sự chủ chốt của công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, các công ty tài chính và công ty chứng khoán (Quy định số 4/POJK.05/2013, hoặc gọi tắt là POJK số 4). Quy định mới này hệ thống hóa lại các quy định hiện hành về kiểm tra tính phù hợp và tuân thủ của công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, công ty tài chính, công ty chứng khoán hiện đang nằm ở nhiều các văn bản hướng dẫn khác nhau. Quy định POJK 4 yêu cầu tất cả “các nhân sự chủ chốt” tại công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, công ty tài chính, công ty chứng khoán phải vượt qua được bài kiểm tra về tính tuân thủ và phù hợp. Nhân sự chủ chốt bao gồm các thành viên Ban giám đốc điều hành, Hội đồng quản trị, Hội đồng giám sát Hồi giáo, thành viên Ban đại diện, cổ đông chi phối, các chuyên gia và nhân sự người nước ngoài… Kết quả kiểm tra có giá trị trong vòng 5 năm (không áp dụng đối với trường hợp cổ đông chi phối). Đối với cổ đông chi phối là pháp nhân, kiểm tra đánh giá tính phù hợp của pháp nhân với đại diện là chủ tịch hoặc tổng giám đốc hoặc chức danh tương đương của pháp nhân. Cổ đông chi phối nếu không vượt qua bài kiểm tra sẽ không thể tiếp tục vai trò Cổ đông chi phối trong doanh nghiệp bảo hiểm, và có 2 năm để chuyển nhượng cổ phần của mình để không còn là cổ đông chi phối. Sau khi quy đinh POJK 4 có hiệu lực (từ 23.12.2013), ban lãnh đạo công ty bảo hiểm có 3 tháng chuẩn bị để đáp ứng được các quy định mới, gửi cho OJK biên bản họp đại hội cổ đông và các quyết định bổ nhiệm liên quan. OJK có 60 ngày để ban hành các chứng nhận.

Liên quan đến thị trường chung ASEAN năm 2015 (AEC 2015), OJK nhận định những thách thức đối với thị trường bảo hiểm trong nước, như vấn đề chia sẻ thị phần của các doanh nghiệp trong nước, vấn đề làn sóng lao động bảo hiểm chất lượng cao ở các nước ASEAN khác sẽ cạnh tranh cơ hội việc làm ở Indonesia. Ông Hendrisman – Chủ tịch Hội đồng bảo hiểm Indonesia (DAI) nhận định Indonesia sẽ là mục tiêu của các công ty bảo hiểm Singapore và Malaysia sau khi AEC thành hiện thực. OJK đang tích cực chuẩn bị cho AEC 2015, như phổ biến, tuyên truyền về AEC, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước (trong đó việc tăng cường các hành động quản lý giám sát kể trên chính là các biện pháp OJK đang thực hiện cho mục đích này). OJK cũng thực hiện chương trình mục tiêu “Đào tạo 1.000 chuyên gia tính toán bảo hiểm” để giải quyết tình trạng thiếu hụt chuyên gia tính toán bảo hiểm của các công ty bảo hiểm. Về hệ thống quy định pháp lý, OJK tiến hành rà soát chỉnh sửa các quy định pháp lý, ban hành các quy định mới để chuẩn bị cho một thị trường chung, trong đó có việc nghiên cứu ban hành quy định về mức vốn tối thiểu đối với một công ty bảo hiểm nước ngoài được mở chi nhánh hoạt động tại Indonesia và dự kiến sẽ thảo luận với cơ quan quản lý bảo hiểm của các nước Đông Nam Á khác những vấn đề và quy định để tránh khả năng một công ty nước ngoài không trong tình trạng lành mạnh mở chi nhánh bảo hiểm ở nước khác. (Hiện tại, các công ty bảo hiểm nước ngoài chưa được phép mở chi nhánh hoạt động tại Indonesia, mà chỉ kinh doanh dưới hình thức thành lập liên doanh. Sau khi hình thành AEC 2015, Indonesia sẽ cho phép các công ty bảo hiểm nước ngoài được mở chi nhánh hoạt động tại Indonesia.).

Có quan chức của OJK nhận định rằng nếu AEC được hình thành theo đúng lộ trình ban đầu (vào năm 2020), ngành bảo hiểm Indonesia sẽ có những chuẩn bị đầy đủ hơn, việc chuyển sang thời hạn 2015 khiến một vài công tác chuẩn bị trở nên vội vã. Tuy nhiên, về tổng thể, toàn ngành bảo hiểm Indonesia đã bắt tay tích cực chuẩn bị cho AEC 2015, cho một sự hội nhập rộng lớn và toàn diện hơn. Cơ hội của AEC 2015 giành cho tất cả hội viên ASEAN, nhưng sẽ là cơ hội lớn hơn đối với những thành viên có sự chuẩn bị tốt hơn để sẵn sàng đón nhận.

(*) Chú thích:

– Dữ liệu sử dụng trong bài viết từ nguồn internet, báo cáo của Hiệp hội bảo hiểm Indonesia, qua các trao đổi với đồng nghiệp nước ngoài.

– Các nhận định trong bài viết phản ánh quan điểm của cá nhân tác giả, không phải quan điểm chính thức của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam.

Theo AVI