Khống chế chi phí


Nhiều khách hàng mua
bảo hiểm xe máy với tâm lý đối phó

Trên cơ sở thực tế loại
chi phí này đang được thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy chi”, theo trưởng phòng
bảo hiểm xe cơ giới – con người của một DN bảo hiểm lớn, thì không nên chần chừ
mà cần sớm thực hiện việc khống chế mức trần phải chi trong kinh doanh nghiệp
vụ này. Theo đó, Bộ Tài chính nên ấn định rõ một tỷ lệ cụ thể về chi phí được
chi tính trên tổng doanh thu phí từ loại bảo hiểm bắt buộc này, chứ không để DN
bảo hiểm toàn quyền tự quyết như hiện nay.


“Do không có quy định rõ
nên các DN bảo hiểm phi nhân thọ hiện đang tùy nghi lựa chọn mức chi phí để bán
hàng sao cho không bị lỗ nghiệp vụ, vì lỗ 2 năm liên tiếp sẽ phải dừng bán. Thế
nhưng, nếu cứ tiếp diễn tình trạng mạnh ai nấy chi này thì khách hàng sẽ là
người chịu ảnh hưởng, dù bề nổi thì là được mua với giá rẻ và bên hưởng lợi
nhiều nhất vẫn chủ yếu là kênh trung gian, chứ không phải DN bảo hiểm”, phụ
trách kinh doanh một DN bảo hiểm nói.


Phân tích thêm về sự
thiệt thòi của khách hàng, vị này cho rằng, khi đã chăm chăm vào việc tìm một
mức giá siêu rẻ để chọn mua thì khách hàng sẽ ít để ý đến quyền lợi được hưởng
liên quan đến bồi thường. Trong đầu khách hàng lúc này chỉ có 2 chữ “giá rẻ và
đối phó”. Và như thế bảo hiểm sẽ trở nên vô nghĩa, khó thay đổi được tư duy hằn
sâu trong tâm trí của khách hàng là mua loại bảo hiểm này là để cho có, nhằm
tránh bị phạt bởi các cơ quan chức năng, chứ không phải để bảo vệ chính mình và
xã hội.


Tất nhiên, theo tìm hiểu
của ĐTCK, hiện tại, không phải ở DN bảo hiểm nào cũng diễn ra tình trạng loạn
phí mà đã thắt chặt hơn, nhất là với những DN đã từng chịu cảnh báo đỏ nguy cơ
lỗ nghiệp vụ. Tuy nhiên, việc khống chế này cũng không dễ.


“Ngoài hoa hồng 20% được
coi là mức cao nhất trong số các nghiệp vụ bảo hiểm, chi phí cho bảo hiểm xe
máy bắt buộc đang được chúng tôi để ở tỷ lệ hợp lý, dưới 15% sau một thời gian
hòa vốn, suýt lỗ do chi không thương tiếc. Nhưng thời gian đầu áp dụng mức này
rất khó khăn trong việc thuyết phục đại lý, cộng tác viên bán bảo hiểm cho DN
mình khi họ bỏ đi hàng loạt để tìm DN bảo hiểm mạnh chi hơn”, trưởng phòng bảo
hiểm xe cơ giới của 1 DN bảo hiểm bộc bạch.


Có thể thấy, đề xuất
khống chế chi phí kinh doanh trong bán bảo hiểm xe máy không phải là mới và đã
được gợi mở, kiến nghị nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Ghi nhận
từ Bộ Tài chính cho thấy, việc khống chế chi phí kinh doanh bảo hiểm xe máy đã
đề cập cũng sẽ được bổ sung vào Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 46/2007/NĐ-CP
ngày 27/3/ 2007 quy định chế độ tài chính đối với DN bảo hiểm và DN môi giới
bảo hiểm trong lần sửa đổi gần nhất.


Một trong những lý do đưa ra cho việc chậm trễ thay đổi này là do
cơ quan chức năng phải lắng nghe ý kiến thống nhất của toàn thị trường, trong
đó không phải DN nào cũng sẵn sàng chấp nhận giảm chi phí, nhất là DN nhỏ, mới
tập trung phát triển mảng này. Với họ, bài toán tăng chi phí chính là phương
cách gần như duy nhất để tăng nguồn thu từ mảng này, bởi có một thực tế là sản
phẩm bảo hiểm xe máy không mất nhiều chi phí bồi thường. Khách hàng mua sản
phẩm bảo hiểm này chủ yếu để đối phó là chính, hầu như không quan tâm đến quyền
lợi bồi thường.


Giảm phí bảo hiểm xe máy bắt buộc


“Kế sách” này nghe có vẻ
ngược đời (bởi ở các nghiệp vụ bảo hiểm khác, DN đang kêu gọi tăng phí bảo hiểm
lên để hạn chế nguy cơ lỗ nghiệp vụ), nhưng theo phó tổng giám đốc phụ trách
mảng xe cơ giới của một DN bảo hiểm thì điều này không hề khó hiểu.


“Nếu không khống chế chi
phí thì nên chăng giảm phí bán bảo hiểm bắt buộc này xuống, có thể là cận kề
mức 30.000 đồng/xe/năm. Khi đã ấn định mức đó rồi thì khó có DN bảo hiểm nào có
thể bán phá giá ở mức thấp hơn, vì nếu phá giá thì chả khác nào DN tự trói tay
trói chân mình”, ông này nói.


Quan điểm trên cũng nhận
được sự đồng tình của một số DN bảo hiểm khác khi cho rằng, đã đến lúc phải đưa
đưa mức phí bảo hiểm về đúng giá trị thực của nó. Bởi hiện nay, sản phẩm này
hầu như được bán không phải với mức quy định 66.000 đồng/xe/năm như trên giấy
chứng nhận đã ghi mà chỉ bán khoảng 30.000 đồng, thậm chí thấp hơn.


Với mức giá rất thấp,
khách hàng cũng không quá để ý đến việc mua bảo hiểm dạng trôi nổi. Từ đó để ý
hơn đến tính bảo vệ rủi ro cho họ và cộng đồng của loại hình bảo hiểm bắt buộc
này để có thể mua từ những DN bảo hiểm kinh doanh uy tín, có lịch sử bồi thường
tốt.


Theo tinnhanhchungkhoan.vn