DỪNG Ở MỨC… TIỀM NĂNG


Theo số liệu từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm 2013, các DN bảo hiểm trong chương trình thí điểm BHTDXK đã cấp được 21 hợp đồng, gồm 16 hợp đồng tái tục và có hiệu lực từ năm 2012 chuyển sang và 5 hợp đồng được cấp mới với tổng giá trị bảo hiểm là 6.825 tỷ đồng, doanh thu phí bảo hiểm là 12,6 tỷ đồng.

Trao đổi với báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, BHTDXK sẽ hỗ trợ rất tốt cho DN nội, nhất là khi cạnh tranh với các DN FDI; thế nhưng DN Việt lại hoàn toàn chưa tận dụng được lợi thế này, khiến việc xuất khẩu của Việt Nam chưa phát huy hết tiềm năng sản xuất của nền kinh tế. Trước nay, DN Việt vẫn thường quen dùng L/C (thanh toán tín dụng thư) làm phương tiện thanh toán, nhưng trong hoạt động thương mại quốc tế, L/C chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số giá trị xuất khẩu, phần lớn được thanh toán bằng các phương tiện khác, thường là trả chậm từ 30 đến … 180 ngày.

Bởi thế, sử dụng BHTD có thể giảm thiểu rủi ro thanh toán, giúp mở rộng thị trường với các tập đoàn nhập khẩu với sức mua lớn đến cực lớn, mà hiện nay DN chưa tiếp cận được. Trong trường hợp bên mua mất khả năng thanh toán hay trì trệ không thanh toán thì bảo hiểm sẽ thanh toán cho DN xuất khẩu hay thanh toán cho ngân hàng cho DN xuất khẩu vay.

Thêm nữa, hiện nay các ngân hàng thường yêu cầu DN thế chấp tài sản để bảo đảm tín dụng. Nếu có BHTDXK, hợp đồng bảo hiểm sẽ giảm thiểu rủi ro thanh toán và thay thế cho tài sản thế chấp. Đối với ngân hàng sẽ an toàn hơn, vì năng lực tài chính của các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm là cực lớn, việc giải quyết thanh toán sẽ nhanh chóng hơn là xiết nợ và giải chấp, bán tài sản của DN để thu hồi nợ.

Thế nhưng, những con số thống kê lại cho thấy, dù đã triển khai thí điểm được gần 3 năm, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ 20% phí bảo hiểm cho DN, song phạm vi sử dụng gói bảo hiểm này vẫn rất hạn chế.

Theo ông Bùi Kiến Thành, nguyên nhân là do đây là lĩnh vực mới với cả cơ quan quản lý nhà nước, các DN xuất khẩu lẫn DN bảo hiểm. Do đó, gói bảo hiểm này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, công tác tiếp thị, tuyên truyền vẫn yếu, các ngân hàng chưa nắm vững và cũng chưa thực sự quan tâm tới lĩnh vực này, nhiều DN cũng chưa tiếp cận được rõ.

Còn ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho rằng, nên giảm mức phí mua bảo hiểm, giảm phí thủ tục để thu hút DN. Bởi hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam, ngoài một số công ty lớn, số còn lại đa phần vẫn là các DN vừa và nhỏ.

NÊN MỞ RỘNG PHẠM VI BẢO HIỂM


Phải làm gì để phát triển thanh công cụ hữu ích này? Theo ý kiến của một số DN, BHTDXK cần mở rộng thêm phạm vi bảo hiểm để các DN có thể tiếp cận và sử dụng nó một cách thuận lợi nhất. Nhất là vai trò của các công ty bảo hiểm cần được phát huy hơn nữa, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cũng như đưa ra được chiến lược phát triển bảo hiểm tín dụng một cách tích cực và thuyết phục hơn.

Đề xuất của nhiều chuyên gia, đã đến lúc Việt Nam cần thành lập một trung tâm điều phối xuất khẩu làm đầu mối tư vấn cho DN thông tin về thị trường xuất khẩu, thu xếp các hợp đồng bảo hiểm tín dụng cho DN xuất khẩu. Việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm sẽ mở rộng cho tất cả công ty bảo hiểm trên toàn thế giới, không có cơ chế độc quyền. Thực tế, DN hoàn toàn có thể trực tiếp ký kết hợp đồng bảo hiểm song quy mô sẽ rất nhỏ lẻ, vẫn khó tiếp cận tập đoàn lớn. Nếu thông qua một trung tâm đầu mối – mua một bảo hiểm chung cho một số lớn DN xuất khẩu với mức phí lên tới vài chục hay trăm triệu USD với tập đoàn bảo hiểm lớn, thì chi phí bảo hiểm và hình thức bảo hiểm cũng khác đi.

Bên cạnh đó, cũng nên có một ngân hàng riêng tài trợ cho lĩnh vực xuất khẩu, áp dụng BHTDXK làm công cụ phát triển đột phá thị trường xuất khẩu, có phương án bảo đảm rủi ro tín dụng và rủi ro thanh toán, tạo điều kiện cho DN tiếp cận được các tập đoàn nhập khẩu lớn, qua các hợp đồng bảo hiểm tín dụng mà hầu hết các ngân hàng Việt Nam chưa sử dụng. Lúc đó, việc phát triển BHTDXK mới thực sự có đất dụng võ, giúp kim ngạch xuất khẩu có sự đột phá chứ không ì ạch như hiện nay.

Theo ĐĐK