Khác với dự báo của giới phân tích thời điểm đầu năm, doanh thu tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn vẫn ghi nhận tín hiệu tích cực trong quý I.

Lợi nhuận tăng cả chục, cả trăm phần trăm

Quý I khép lại, các doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn chứng khoán nô nức khoe lãi tăng cả chục, cả trăm phần trăm so với mức thực hiện cùng kỳ. Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (UPCoM: AIC) cán mốc tăng trưởng lợi nhuận trước thuế mạnh mẽ nhất trong số 13 doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn với mức tăng 105% so với quý I/2023, tương đương tăng gấp đôi cùng kỳ, đạt hơn 10,4 tỷ đồng.

Kết quả khả quan mà AIC ghi nhận trong quý I đến từ động lực kép từ doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm và doanh thu hoạt động tài chính, lần lượt đạt gần 500 tỷ đồng 32,6 tỷ đồng, tương đương tăng 14,5% và 175% so với cùng kỳ.

Công ty Cổ phần PVI (HNX: PVI), Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (UPCoM: BLI), Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) và Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BIC) là 4 doanh nghiệp bảo hiểm có mức lợi nhuận tăng trưởng từ 40% đến trên 50% so với cùng kỳ.

Trong đó, “ông lớn” PVI thu về hơn 446 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý I, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2023. BLI thu về 43,4 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 41,5%. Điểm chung của 2 doanh nghiệp là đều kiểm soát tốt chi phí và gia tăng doanh thu để đạt tăng trưởng lợi nhuận dương.

Với BIC, doanh nghiệp ghi nhận lãi trước thuế tăng 49%, đạt gần 148 tỷ đồng. Tương tự AIC, tăng trưởng lợi nhuận của BIC đến từ động lực kép doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm (tăng 23,3%) và doanh thu hoạt động tài chính (tăng 50,6%).

Khác các doanh nghiệp bảo hiểm trên, PTI với lãi trước thuế tăng 51% trong quý I, đạt 85 tỷ đồng lại không có các nguồn thu tăng trưởng ấn tượng. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của PTI trong quý I đến từ việc giảm mạnh hàng chục phần trăm các loại chi phí như phí bồi thường, phí hoa hồng, chi phí tài chính, phí quản lý doanh nghiệp.

Screenshot 2024-05-08 092948(Ảnh minh hoạ)

Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ở mức thấp hơn là các doanh nghiệp như Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân Đội (HoSE: MIG), Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) và Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (HoSE: PGI), lần lượt tăng 12%, 13% và 23,5%, tương ứng đạt 96 tỷ đồng, 742 tỷ đồng và 84,6 tỷ đồng.

Trong đó, động lực tăng trưởng của MIG và BVH đều không đến từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm khi mà nhờ kiểm soát tốt chi phí và gia tăng doanh thu tài chính. Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của MIG và BVH lần lượt giảm 9,5% và 2,3% so với cùng kỳ.

Bên cạnh mảng sáng tăng trưởng, bức tranh lợi nhuận ngành bảo hiểm vẫn đan xen những nốt trầm sụt giảm và thua lỗ. 3 doanh nghiệp bảo hiểm có lợi nhuận sụt giảm là Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: ABI), Tổng Công ty cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (HNX: VNR) và Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh (HoSE: BMI).

Lợi nhuận trước thuế quý I của VNR giảm mạnh nhất ở mức 25,3%, đạt hơn 177 tỷ đồng. Dù doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 7,8% so với cùng kỳ, việc chi phí neo cao và thiếu hụt trợ lực từ hoạt động tài chính đã kéo lùi lợi nhuận của VNR.

ABI và BMI đều ghi nhận mức giảm lợi nhuận trước thuế khá nhẹ so với cùng kỳ, lần lượt giảm 2,2% và 1%, tương đương đạt 86,5 tỷ đồng và 91 tỷ đồng, nguyên nhân do một số loại chi phí có mức gia tăng nhanh hơn so với doanh thu.

Đáng chú ý, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (UPCoM: BHI) là doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn duy nhất kinh doanh thua lỗ trong quý I. BHI lỗ trước thuế gần 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 8 tỷ đồng. Dù doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và hoạt động tài chính đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2023, việc ghi nhận phi kinh doanh bảo hiểm và chi phí quản lý doanh nghiệp cao hơn nguồn thu đã khiến doanh nghiệp bảo hiểm này thua lỗ trong quý I.

Doanh thu tài chính “cất cánh”

Ở thời điểm đầu năm 2024, giới phân tích cho rằng môi trường lãi suất thấp sẽ ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư của toàn ngành bảo hiểm và dự kiến tình hình sẽ không khả quan như năm 2023. Theo đó, Công ty Chứng khoán SSI dự báo lợi suất đầu tư cho các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ giảm về mức 5-5,2%.

Tuy nhiên, kết thúc quý I, theo thống kê của VietnamFinance, doanh thu từ hoạt động tài chính của phần lớn các doanh nghiệp bảo hiểm đều ghi nhận tăng trưởng dương. Điển hình như BHI, dù kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý I không mấy khả quan, tuy nhiên doanh thu tài chính của doanh nghiệp này đã tăng gấp 3,6 lần cùng kỳ nhờ gia tăng lãi tiền gửi và phát sinh thêm khoản lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chứng khoán.

AIC cũng ghi nhận doanh thu tài chính tăng gấp 2,75 lần cùng kỳ, đạt hơn 32 tỷ đồng nhờ tăng lãi tiền gửi, tiền cho vay. BIC và BLI đều đạt doanh thu tài chính tăng trên 50%, lần lượt là 130,7 tỷ đồng và 24,3 tỷ đồng. Trong đó tăng trưởng của BLI đến từ thu nhập lãi tiền gửi.

Với BIC, dù lãi tiền gửi, tiền cho vay có phần giảm so với cùng kỳ, nhưng động lực tăng trưởng doanh thu tài chính của doanh nghiệp này lại đến từ khoản lãi từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng gấp 400 lần cùng kỳ, đạt gần 45 tỷ đồng.

MIG, PRE, BMI, PGI, PVI, BVH, ABI và PTI đều là những doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tài chính tăng trưởng dương với động lực chính từ lãi tiền gửi và lãi từ kinh doanh chứng khoán. VNR là doanh nghiệp bảo hiểm duy có doanh thu tài chính giảm, tuy nhiên doanh nghiệp không thuyết minh chi tiết về khoản mục này.

Nguồn: Bảo hiểm thắng lớn nhờ doanh thu tài chính, lợi nhuận tăng tới hơn 100% (vietnamfinance.vn)