Độc quyền bancassurance (bán sản
phẩm bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng) giờ không còn xa lạ đối với thị trường
bảo hiểm nói chung, cũng như mỗi ngân hàng, mỗi hãng bảo hiểm nói riêng. 



Được đánh giá sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang “mạnh tay” đầu tư cho kênh bancassurance


Những “mối lương duyên” như vậy được dự báo sẽ ngày càng gia tăng
và góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm được
đánh giá là rất hiệu quả này.

Thực tế cho thấy, mối
quan hệ độc quyền sẽ là cách tốt nhất để bancassurance phát triển triệt để,
nhưng cũng không vì thế mà các mối quan hệ mở – một ngân hàng cung cấp dịch vụ
bảo hiểm của nhiều hãng bảo hiểm – lại không phát triển.

“Thời gian qua, có những
ngân hàng dù không ký kết độc quyền với một công ty bảo hiểm, song cũng đã thu
về cả trăm tỷ đồng tiền phí bảo hiểm mỗi năm”, đại diện một công ty bảo hiểm
tiết lộ.

Đối với việc phát triển
bancassurance, dù ở bất kỳ thị trường nào, sự “cởi mở” của các nhà băng là nhân
tố quan trọng nhất giúp mô hình này thực sự phát triển. Ngược lại, hầu hết các
nhà băng đều cho rằng, cung cấp dịch vụ bảo hiểm là nguồn thu rất tiềm năng.

Một thông tin đáng chú ý
được đăng trên Bản tin Thị trường Bảo hiểm toàn cầu của Cục Quản lý giám sát
bảo hiểm (Bộ Tài chính) mới đây cho biết, Cơ quan Quản lý bảo hiểm Ấn Độ đã
nhận được hồ sơ từ hơn 40 ngân hàng xin phép bán bảo hiểm cho các công ty bảo
hiểm theo quy định về kênh phân phối bảo hiểm bancassurance mới có hiệu lực của
thị trường này (các ngân hàng có thể bán bảo hiểm cho 3 công ty bảo hiểm theo
từng nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ). Cũng theo
bản tin này, trong số các ngân hàng trên, có một số ngân hàng đã có công ty bảo
hiểm riêng của mình.

Đã có nhiều ghi ngại
rằng, liệu các ngân hàng có công ty bảo hiểm riêng sẽ quan tâm đến việc bán bảo
hiểm cho nhiều công ty đồng thời hay không? Bởi họ có thể không quan tâm đến
việc bán các sản phẩm bảo hiểm của đối thủ cạnh tranh hoặc do điều kiện phân
phối độc quyền… Những nghi ngại này cũng đã xuất hiện đối với mô hình
bancassurance không độc quyền tại thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Trên thực tế, trước khi
có cuộc “kết hôn độc quyền” đầu tiên giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm, doanh
thu phí bảo hiểm của kênh bancassurance tại Việt Nam với mô hình một ngân hàng
bán cho nhiều công ty bảo hiểm là khá èo uột. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho
sự phát triển chậm chạm này, đó là: ngân hàng chưa coi trọng phát triển dịch vụ
tài chính bảo hiểm, các công ty bảo hiểm đua nhau ký với các ngân hàng chủ yếu
là để “giữ chỗ”, trong khi sản phẩm bảo hiểm bán qua kênh bancassurace chưa
thực sự phù hợp với những khách hàng thuộc phân khúc này… Chính vì thế, với mô
hình bancassurance, độc quyền vẫn là tốt nhất (chấp nhận chi phí sẽ khá cao),
nhưng nếu không độc quyền, thì không có nghĩa là mô hình này thất bại.

“Vấn đề là cách thức hợp
tác giữa mỗi công ty bảo hiểm với ngân hàng, cùng với đó là đưa sản phẩm bảo
hiểm phù hợp nhất để bán qua ngân hàng đó”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.

Trở lại với câu chuyện
tăng trưởng của kênh bancassurance trong thời gian tới, đại diện một doanh
nghiệp bảo hiểm nhìn nhận, mức độ tăng trưởng sẽ rất khả quan. Rất nhiều công
ty bảo hiểm đang tập trung đẩy mạnh doanh thu từ kênh này.

“Chúng tôi dự kiến doanh
thu từ bancassurance có thể chiếm đến 50% doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới
của công ty trong thời gian tới. Chúng tôi đang có những kế hoạch đầu tư mạnh
mẽ vào kênh này và sẽ sớm công bố ra thị trường trong thời gian tới”, vị đại
diện này chia sẻ. Nếu nhìn doanh thu khai thác mới từ kênh bancassurance của
toàn thị trường chỉ đang ở mức 10-20% trên tổng doanh thu thì mục tiêu trên
dường như rất tham vọng,  song theo đại diện công ty trên, mục tiêu đó
hoàn toàn có thể thực hiện được.

Trước đó, trao đổi với
Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn trên
thị trường cũng nói rằng, bancassurance sẽ trở thành một trong những kênh phân
phối bảo hiểm quan trọng cho các công ty bảo hiểm nhân thọ. Lượng khách hàng mà
các ngân hàng đang có là rất lớn, và quan trọng hơn, đa phần trong đó là những
người có thu nhập ổn định, thậm chí là dư dả. Đây chính là nguồn khách hàng
tiềm năng mà các công ty bảo hiểm nhân thọ hướng tới. Công ty này cũng dự kiến,
bancassurance sẽ mang về từ 30-50% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm cho công
ty trong thời gian tới.


Theo Tinhanhchungkhoan.vn