Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030, một trong những giải pháp quan trọng trong thời gian tới là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Ứng dụng công nghệ số giúp nâng cao hiệu quả hoạt động

Thực tế cho thấy, việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trọng việc đánh giá rủi ro, định phí bảo hiểm, quản lý bồi thường, quản trị doanh nghiệp, quản lý thông tin khách hàng…

Theo các chuyên gia bảo hiểm, việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã mang lại lợi ích đáng kể khi giúp doanh nghiệp mở rộng tập khách hàng tiềm năng, giảm đáng kể thời gian nghiên cứu sản phẩm mới, giảm chi phí nhân sự, cải thiện tốc độ giải quyết các yêu cầu của khách hàng. Hơn nữa, khi sử dụng AI sẽ tăng cường độ chính xác và minh bạch trong quá trình xử lý, giảm thiểu rủi ro gian lận và sai sót. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn và xây dựng niềm tin vững chắc với khách hàng. 

Hay như sự xuất hiện của các nền tảng NC/LC cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm khai thác các lợi ích của điện toán đám mây (cloud computing) và microservice dễ dàng hơn, cho phép các doanh nghiệp này nhanh chóng mở rộng quy mô và tung ra các dịch vụ sản phẩm mới. Theo các chuyên gia, điều này cũng đồng nghĩa với việc góp phần giúp thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển bền vững, minh bạch hơn trong tương lai gần.

đầu tư công nghệ số

Số liệu khảo sát cho thấy, năm 2024, có khoảng 95,5% doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện tăng cường đầu tư công nghệ số, trong đó, có đến 68,2% doanh nghiệp tăng cao đáng kể mức độ đầu tư vào chuyển đổi số. Các doanh nghiệp bảo hiểm đều có chung đánh giá về tiềm năng phát triển thông qua khả năng khai thác các ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất như AI, máy học, Blockchain…

Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số 07/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu cụ thể: Doanh thu ngành Bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt 3% – 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 – 2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt 3,3% – 3,5% GDP. Tốc độ tăng trưởng doanh thu cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng đạt bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2023 – 2030…

Đồng thời, Chiến lược cũng đề ra một trong những mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuận tiện nhất trong việc tham gia bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm ngày càng tăng của các tổ chức và cá nhân. Nâng cao quản trị rủi ro, an toàn, an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng.

Điều này cho thấy sự ưu tiên của cơ quan quản lý dành cho việc áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, qua đó giúp thị trường phát triển bền vững, minh bạch, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra đến năm 2030.

Đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, trong nhiều năm qua, nhận thức được vai trò hết sức quan trọng của công nghệ thông tin đối với ngành Bảo hiểm, cơ quan quản lý luôn khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn giúp thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển phù hợp xu thế Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo Bộ Tài chính, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, cần tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp đề ra trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030, cụ thể:

Một là, khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, ứng dụng trong tất cả các khâu của kinh doanh bảo hiểm, có biện pháp bảo vệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng.

Hai là, xây dựng khung thể chế thử nghiệm cho các dịch vụ công nghệ bảo hiểm (Insurtech) theo thông lệ tốt nhất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển các dịch vụ bảo hiểm số mới.

Ba là, thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin giữa doanh nghiệp bảo hiểm nhằm phòng chống gian lận bảo hiểm, hỗ trợ và tư vấn pháp lý, giải quyết khiếu nại; cơ chế chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia.

Bốn là, thúc đẩy chuyển đổi số công tác quản lý và phát triển thị trường bảo hiểm, phát triển và sử dụng các nền tảng số để thúc đẩy phát triển và tối ưu hóa thị trường bảo hiểm. Ứng dụng các giải pháp công nghệ số, nền tảng số để giám sát, đo lường trực tuyến kết quả thực hiện các tiêu chí quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm đảm bảo minh bạch, chính xác, kịp thời.

Nguồn: https://tapchitaichinh.vn/day-manh-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-hoat-dong-kinh-doanh-bao-hiem.html