Có rất nhiều người cũng nhận thấy sự cần thiết phải có một phương án bảo vệ tài chính, nhưng ở chiều ngược lại, đa phần vẫn chưa tham gia bảo hiểm bởi rất nhiều lý do khác nhau.
Bảo vệ tài chính, bảo đảm an toàn tài chính
Sứ mệnh của bảo hiểm chính là bảo vệ tiền, bảo vệ tài sản, bảo vệ thu nhập trong những tình huống không may xảy đến như ốm đau, bệnh tật, tai nạn rủi ro bất ngờ, hoặc xấu nhất là người trụ cột ra đi sớm thì những người ở lại có ngay một khoản tiền lớn để có thể trang trải cuộc sống, bù đắp khoảng trống chi phí sinh hoạt thiết yếu mà người trụ cột không may mắn để lại.
Thực tế cho thấy trong khoảng vài năm trở lại đây, từ sau khi kết thúc dịch covid 19, tình trạng suy giảm hệ miễn dịch dẫn đến ốm đau, bệnh tật tăng cao… Khi phải nhập viện để khám và điều trị chính là lúc phát huy tác dụng của bảo hiểm. Thay vì người bệnh dùng số tiền tiết kiệm được bấy lâu nay để chi trả, khi rủi ro đã được chuyển giao cho bên thứ 3, thì phía công ty bảo hiểm sẽ thanh toán các chị phí khám và điều trị theo điều khoản đã được ký kết.
Khi không may vào viện, mới là lúc bảo hiểm phát huy đúng sứ mệnh bảo vệ. Ảnh: Xuân Thạch
Dưới góc trải nghiệm của khách hàng, theo chị Thu Hương (37 tuổi), ở Hai Bà Trưng, Hà Nội, trước đây bản thân chị cũng đã có những nghi ngờ với bảo hiểm, rằng là bảo hiểm lừa đảo, bảo hiểm chơi khó người tham gia. Nhưng khi được tư vấn kỹ càng, rõ ràng bằng điều khoản, chị đã lựa chọn tham gia cho bé con 4 tuổi. Và sau khoảng hơn 1 tháng tham gia, bé gặp vấn đề về sức khoẻ phải nhập viện Vinmec điều trị 2 ngày với chi phí hết gần 10 triệu. Chị được hãng bảo hiểm bảo lãnh và chi trả theo đúng điều khoản như tư vấn viên đã chia sẻ.
“Có bảo hiểm tôi mới tự tin chọn Vinmec, chứ không có thì cũng không dám bởi chi phí cho một ngày điều trị ở đây rất đắt”, chị Thu Hương tâm sự.
Tiết kiệm có kỷ luật
Theo Backbase, một công ty Hà Lan chuyên cung cấp nền tảng chuyển đổi số cho các ngân hàng nhận thấy, khoảng 67% người Việt tham gia khảo sát cảm thấy loay hoay về quản lý tài chính. Tỷ lệ này cao thứ hai trong 10 nước châu Á – Thái Bình Dương, chỉ đứng sau Thái Lan. Trong khi đó, chỉ có 11% người Việt là lạc quan về tình hình tài chính. Bên cạnh đó, 50% người Việt Nam tham gia khảo sát thừa nhận họ không hoàn thành được mục tiêu tài chính của mình và 71% chia sẻ họ thiếu những lời khuyên tài chính đáng tin cậy.
Và một trong các nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các con số đáng buồn ở trên đó là thói quên chi tiêu trước, tiết kiệm sau của đa số người Việt . Họ thường có xu hướng chi tiêu theo nhu cầu, lấy chuẩn mực sống để soi chiếu lại thu nhập, chứ ít ai xuất phát từ gốc thu nhập, từ đó mới chọn cách chi tiêu cho phù hợp.
Cộng với việc nhiều cám dỗ chi tiêu xung quanh như việc mua sắm, tụ tập liên hoan, mua những thứ mình muốn hơn là những thứ mình cần, hoặc giảm thu nhập nhưng không giảm được tiêu chuẩn sống, dẫn đến một thực trạng chung: Làm ra cũng được khá tiền nhưng tiết kiệm chẳng được bao nhiêu, cuối năm tài khoản tiết kiệm vẫn là con số 0 tròn chĩnh.
Do đó, bảo hiểm là một kênh giúp cho người tham gia giữ thói quen tích luỹ kỷ luật trong một thời gian dài, chỉ trích 10-15% thu nhập hàng tháng, để bảo vệ 85-90% phần thu nhập còn lại nếu không may rủi ro xảy đến.
Chị Chu Phương Mai, sinh năm 1986, làm kinh doanh tự do ở Thanh Xuân chia sẻ, với chi phí bảo hiểm 1 năm của gia đình khoảng gần 50 triệu, chị tham gia cho mình, cho chồng và 2 con trai.
“1 tháng chi tiêu gì thì tiêu nhưng vẫn phải nhớ tiết kiệm lại 1 khoản hơn 4 triệu để đến kỳ đóng bảo hiểm hàng năm. Có những tháng phát sinh chi phí cũng bị tiêu vào khoản này, lập tức tháng sau tôi phải tiết kiệm bù ngay. Xác định đó là một khoản tích luỹ có kỷ luật cho bản thân, lại vừa bảo vệ tài chính cho mình, không có bảo hiểm có khi loanh quanh lại tiêu mất lúc nào không hay. Phụ nữ mà, cũng hay cám dỗ mua sắm và những khoản chi không tên lắm”, chi Mai kể.
Kênh đầu tư để gia tăng tài sản
Lâu nay rất nhiều ý kiến cho rằng, bảo hiểm là kênh phòng ngừa rủi ro chứ không phải lĩnh vực đầu tư. Với mục đích đầu tư, người dân nên lựa chọn lĩnh vực khác. Quan điểm này không sai, mỗi một sản phẩm tài chính ra đời đều có chức năng, sứ mệnh của nó, bảo hiểm chỉ đơn thuần là bảo vệ.
Xét ở góc độ 1 khoản tiền nhỏ chiếm 8-10% thu nhập hàng tháng, tiết kiệm kỷ luật trong một thời gian dài, và sau khoảng 15, 20 năm đến khi đáo hạn nhận về số tiền gốc, cộng thêm 1 khoản lãi được công ty bảo hiểm chi trả hàng năm thường ở mức 4-5%. Khoản lãi này, đem ra so sánh với các kênh đầu tư khác như Chứng khoán, bất động sản, chứng chỉ quỹ… xem ra thấp hơn rất nhiều, chỉ có thể so sánh với lãi suất trung bình khi gửi ngân hàng.
Nhưng quan trọng trong suốt quá trình dài đó, người tham gia được bảo vệ tài chính, an tâm trong cuộc sống, nếu không may xảy ra những rủi ro, ốm đau, bệnh tật, tai nạn hoặc rủi ro lớn nhất là việc ra đi sớm thì đã được công ty bảo hiểm chi trả một số tiền lớn để bù đắp tài chính. Mà số tiền chi trả không ảnh hưởng đến kế hoạch tiết kiệm, đầu tư của người tham gia.
“Thu nhập của 2 vợ chồng mình ở quê không quá cao, chỉ khoảng 13 triệu/01 tháng, sau khi trừ hết các chi phí sinh hoạt, chi phí thiết yếu và 1 chút hưởng thụ, vợ chồng mình có tiết kiệm được khoảng 7-8 triệu đồng mỗi tháng. Chúng mình dành cho bảo hiểm bảo vệ cả nhà khoảng gần 3 triệu, còn lại để ở tài khoản tiết kiệm ngân hàng, tích luỹ được 1 món kha khá thì mua thêm chút vàng nhẫn để dành”.
Tư vấn bảo hiểm cho khách hàng.
Không có kiến thức, kinh nghiệm về các kênh đầu tư khác, lại khá an toàn nên mình coi bảo hiểm như 1 kênh vừa bảo vệ, vừa đầu tư, công ty gửi thông tin về lãi suất chi trả cho mình qua email, 2-3 năm vừa rồi cũng khoảng 4,8-5%. Vợ chồng mình thấy với 1 khoản tiền nhỏ như vậy là ổn” , chị Thanh Hà (34 tuổi), quê Thái Nguyên chia sẻ.
Chị Lan Hương, một Tư vấn Bảo hiểm 5 năm kinh nghiệm, cho hay, gần đây số lượng khách hàng tìm đến chị để hỏi và muốn được tư vấn về bảo hiểm khá nhiều, đặc biệt là thẻ Chăm sóc sức khoẻ. Người Việt đã dần ý thức được ý nghĩa của bảo hiểm và sứ mệnh bảo vệ tiền, họ mong muốn nếu không may rủi ro ốm đau thì sẽ không phải bỏ tiền túi ra để chi trả cho tiền viện phí, mà mọi người hay gọi là chi phí “khổ”.
Đồng thời các khách hàng cũng tìm hiểu kỹ hơn, hỏi nhiều hơn về quyền lợi, những gì được, những gì loại trừ và có sự so sánh giữa nhiều hãng bảo hiểm khác nhau để lựa chọn. Điều đó cho thấy dân trí về bảo hiểm, về bảo vệ tiền của người Việt đang dần được nâng cao. Và họ cũng đang tìm kiếm các tư vấn có hiểu biết, tư vấn rõ ràng bằng điều khoản và hỗ trợ thủ tục bồi thường nhanh chóng, thay vì mua của người nhà, mua theo kiểu ủng hộ như trước đây.
“Bảo hiểm đúng trước tiên phải là bảo vệ, sau đấy giúp khách hàng thói quen tiết kiệm có kỷ luật, và cuối cùng về dài hạn là kênh đầu tư. Quan trọng có bảo hiểm giúp an tâm hơn trong cuộc sống, bảo đảm các mục tiêu tài chính, kế hoạch đầu tư của mỗi gia đình được đến đích”, chị Hương nói thêm.
Nguồn: Nhận thức về bảo hiểm trong kế hoạch tài chính cá nhân của người Việt (vietnamfinance.vn)