Thêm một phiên chất vấn với bộ trưởng Bộ Tài chính – nơi có trách nhiệm quản lý thị trường bảo hiểm – cho thấy vụ việc mua bảo hiểm mới được vay tiền đã “thấu trời xanh”.

Screenshot 2024-03-19 144204

Thông tư 67 của Bộ Tài chính cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư kèm giải ngân khoản vay – Ảnh: BÔNG MAI

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ngày 18-3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nội dung về bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng đã gợi nhớ lại tâm lý sợ hãi của những người từng là “nạn nhân” nhưng cũng tạo ra hy vọng một ngày rất gần người vay sẽ không còn sợ bị ép phải mua bảo hiểm nhân thọ, được không?

Các chuyên gia nói rằng bán bảo hiểm qua ngân hàng là một kênh phân phối hiện đại, có ưu điểm, được nhiều nước áp dụng. Nhưng tại Việt Nam, sẽ là thiếu sót rất lớn nếu bỏ qua bối cảnh tâm thế của người đi vay ngân hàng.

Bởi đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tệ ép người vay mua bảo hiểm đã gây nhức nhối xã hội mà báo chí từng phản ánh: “Bảo hiểm nhân văn, đừng là ác mộng”.

Vì sao? Phải nhìn nhận đa phần khách hàng khi gõ cửa ngân hàng, họ đều ở “thế yếu”. Yếu từ phương án kinh doanh, chứng minh thu nhập, dòng tiền, đến tài sản thế chấp… và ai cũng mong vay được tiền.

Nhưng ngân hàng thì khác, do đã ký hợp đồng nhận tiền “lót tay” khủng từ công ty bảo hiểm rồi nên họ soạn ra nhiều giải pháp kỹ thuật, kể cả thiết kế gói vay và mức lãi suất, để nhân viên tín dụng có thể “lùa” người vay chọn một trong hai: có mua bảo hiểm mới được vay vốn, không mua không giải ngân.

Vì thế có con số một công ty có đến 70% khách vay mua bảo hiểm bỏ hợp đồng, chấp nhận mất tiền phí đã đóng trong một hai năm đầu.

Hàng loạt quy định mới về bán bảo hiểm qua ngân hàng, các giải pháp kỹ thuật để giám sát… đã được ban hành.

Thêm một phiên chất vấn với bộ trưởng Bộ Tài chính – nơi có trách nhiệm quản lý thị trường bảo hiểm – cho thấy vụ việc mua bảo hiểm mới được vay tiền đã “thấu trời xanh”.

Ép mua bảo hiểm là vi phạm pháp luật, gây bức xúc cho hàng vạn người vay vốn, làm tăng chi phí kinh doanh vô lý, đem lại lợi nhuận kếch xù cho một bộ phận người và công ty kinh doanh bảo hiểm nay phải chấm dứt.

Xã hội, các cơ quan liên quan sẽ giám sát việc siết chặt công tác quản lý, đưa thị trường bảo hiểm vào nề nếp, tuân thủ nguyên tắc mua bảo hiểm trên tinh thần tự nguyện.

Không có lý do gì để tệ nạn này tồn tại, tái diễn hay ẩn nấp dưới bất kỳ hình thức nào. Chính vì thế người dân vẫn lo khi Bộ Tài chính nói rằng để chấn chỉnh phải phối hợp với thanh tra giám sát ngân hàng vì bộ chỉ có quyền thanh tra bán bảo hiểm!?

Cho đến nay, người dân vẫn ám ảnh chuyện phải mua bảo hiểm nhân thọ khi vay ngân hàng. Phải dẹp tan tâm lý này để người vay không còn sợ hãi khi “gõ cửa ngân hàng phải bước qua bảo hiểm”.

Nơi nào có trách nhiệm phá bỏ tâm lý lo sợ đó? Bộ Tài chính – nơi được giao quản lý thị trường bảo hiểm, quản lý các công ty bảo hiểm, xây dựng quy định, nguyên tắc về bảo hiểm…

Còn ngân hàng, tuy có “quyền lực” để ép người vay phải mua bảo hiểm, nhưng họ cũng chỉ là đại lý bán bảo hiểm, theo đúng quy định của Bộ Tài chính.

Tất nhiên khi kiểm tra, chấn chỉnh nạn ép mua bảo hiểm, cần có sự phối hợp, nhưng người vay vốn chỉ “hết sợ” khi xác định “một cửa” trách nhiệm, không thể chỉ qua Ngân hàng Nhà nước, chỉ lại Bộ Tài chính.

Xóa bỏ nạn ép khách vay tiền mua bảo hiểm, câu chuyện còn nguyên đó. Các quy định mới vẫn cần thời gian để vận hành trong cuộc sống.

Không loại trừ ngân hàng và công ty bảo hiểm lại tìm cách để người vay phải mua bảo hiểm ngoài ý muốn. Khách vay hết sợ bảo hiểm khi gõ cửa ngân hàng, tất cả chờ Bộ Tài chính.

Nguồn: https://tuoitre.vn/het-so-bi-ep-mua-bao-hiem-duoc-khong-20240319081349665.htm