Theo số liệu từ Cục quản lý và giám sát bảo hiểm
(Bộ Tài chính), phí bảo hiểm thu qua môi giới bảo hiểm và hoa hồng môi
giới bảo hiểm năm 2015 đều tăng trưởng ấn tượng so với năm 2014.


Cụ thể, trong năm 2015, phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm
ước đạt 7.733 tỷ đồng (tăng 18,5%), trong đó môi giới bảo hiểm gốc là 3.980 tỷ
đồng (tăng 20,8%), môi giới tái bảo hiểm là 3.753 tỷ đồng (tăng 16,2%). Tỷ lệ
phí bảo hiểm gốc qua môi giới trên tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc trong lĩnh
vực phi nhân thọ đạt 12,8% (tỷ lệ năm 2014 là 12,1%).

Về hoa hồng môi giới bảo
hiểm, năm 2015 ước đạt 569 tỷ đồng (tăng 16,0%), trong đó hoa hồng môi giới bảo
hiểm gốc là 473 tỷ đồng (tăng 20,5%), hoa hồng môi giới tái bảo hiểm là 96 tỷ
đồng (giảm 1,9%). Tỷ lệ hoa hồng môi giới bảo hiểm trên phí bảo hiểm thu xếp
bình quân đạt 7,4%, trong đó tỷ lệ hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc là 11,9% và
tỷ lệ hoa hồng môi giới tái bảo hiểm là 2,6%.

Năm 2015, sau sự “ra đi”
của Công ty Môi giới bảo hiểm Đại Việt (hiện đang hoàn tất thủ tục giải thể),
thị trường bảo hiểm còn 11 DN môi giới bảo hiểm, trong đó có 6 DN trong nước
theo hình thức CTCP và 5 DN nước ngoài theo hình thức công ty TNHH.

Về kết quả kinh doanh và
tình hình tài chính, năm 2015, tổng doanh thu của các DN môi giới bảo hiểm (bao
gồm doanh thu từ hoa hồng môi giới bảo hiểm, hoạt động tài chính và thu nhập
khác) ước đạt 590 tỷ đồng (tăng 14,3% so với năm 2014). Lợi nhuận trước thuế
ước đạt 102 tỷ đồng (tăng 118,4%).

Tổng tài sản của các DN
môi giới bảo hiểm tại thời điểm 31/12/2015 ước đạt 711 tỷ đồng (tăng 15,5% so
cùng thời điểm năm 2014). Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 250 tỷ đồng (tăng
46,2%). Tổng vốn điều lệ toàn thị trường ước đạt 175 tỷ đồng (tăng 5,2%).

Mặc dù năm 2015 ghi dấu
các mức tăng trưởng khả quan, nhưng có thể thấy, doanh thu và hoạt động môi
giới của các DN môi giới bảo hiểm hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hoạt
động của họ. Quy định hiện hành về quyền lợi của DN môi giới bảo hiểm mới chỉ hướng
dẫn trường hợp DN môi giới bảo hiểm được nhận hoa hồng sau khi đã thu xếp cho
khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Hoa hồng môi giới bảo
hiểm được tính vào phí bảo hiểm và do DN bảo hiểm chi trả. Trong khi đó, trong
quá trình hoạt động môi giới, không phải lúc nào cũng dẫn tới việc giao kết hợp
đồng bảo hiểm và việc giao kết hợp đồng bảo hiểm cũng chưa hẳn là lựa chọn tốt
nhất cho khách hàng.

DN môi giới bảo hiểm
thực hiện các nội dung của hoạt động môi giới bảo hiểm theo quy định tại Điều
90, Luật Kinh doanh bảo hiểm, bao gồm những công việc chính từ cung cấp thông
tin về thị trường bảo hiểm; tư vấn, đánh giá rủi ro cho khách hàng; hỗ trợ
khách hàng thu xếp, giao kết hợp đồng bảo hiểm; hỗ trợ khách hàng thực hiện hợp
đồng bảo hiểm. Tất cả những nội dung hoạt động môi giới bảo hiểm này đều mang
lại giá trị gia tăng cho khách hàng và phát sinh chi phí kinh doanh từ DN môi
giới bảo hiểm.

Mặc dù vậy, như đã nêu
trên, quy định hiện hành mới chỉ hướng dẫn trường hợp khách hàng có giao kết
hợp đồng bảo hiểm, tức là có phát sinh phí bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm mới
được nhận hoa hồng môi giới bảo hiểm được tính trong phí bảo hiểm. Còn khi
khách hàng chưa hoặc không giao kết hợp đồng bảo hiểm, quy định hiện hành chưa
có hướng dẫn về việc tính phí.

Theo thông lệ quốc tế,
môi giới bảo hiểm là nhà tư vấn giúp khách hàng đánh giá, quản trị rủi ro, hiểu
biết về bảo hiểm và tham gia bảo hiểm nhằm đề phòng, hạn chế tổn thất. Vì thế,
môi giới bảo hiểm giữ vai trò vừa là nhà tư vấn, vừa là kênh phân phối sản phẩm
bảo hiểm cho các DN bảo hiểm.

Tại nhiều quốc gia trên
thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Malaysia, Singapore hay đa số các quốc gia thuộc Khối
liên minh châu Âu, bên cạnh hoa hồng môi giới bảo hiểm được tính trong phí bảo
hiểm, DN môi giới bảo hiểm có nhiều loại hình doanh thu từ hoạt động môi giới
bảo hiểm, trong đó có doanh thu từ dịch vụ tư vấn cho khách hàng.

Nhu cầu thị trường, nội
lực DN cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tiềm năng để phát triển môi giới
bảo hiểm vẫn còn rất lớn. Xuất phát từ yêu cầu thực tế của thị trường bảo hiểm
và nền kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất quy
định cụ thể hơn về doanh thu hoạt động môi giới bảo hiểm của DN môi giới bảo
hiểm, cụ thể:

+ Khoản doanh thu từ hoa
hồng môi giới bảo hiểm: Thu hoa hồng môi giới bảo hiểm từ phí bảo hiểm thu được
đối với hoạt động hướng dẫn, tư vấn khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm;

+ Khoản doanh thu từ các
hoạt động tư vấn về thị trường bảo hiểm, tư vấn đánh giá, quản trị rủi ro… (quy
định tại Khoản 1, 2 và 4 Điều 90, Luật Kinh doanh bảo hiểm).

Như vậy, trường hợp DN
môi giới bảo hiểm thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm giúp khách hàng thu
xếp, giao kết hợp đồng bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm sẽ được nhận hoa hồng môi
giới bảo hiểm được tính trong phí bảo hiểm. Trường hợp không thu xếp giao kết
hợp đồng bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm có thể nhận được doanh thu từ dịch vụ
môi giới bảo hiểm đã cung cấp theo thỏa thuận.

Có thể thấy, tư vấn đánh
giá, quản trị rủi ro là một thế mạnh của DN môi giới bảo hiểm, đặc biệt là
những DN thuộc các tập đoàn môi giới bảo hiểm hàng đầu thế giới đang hoạt động
tại Việt Nam. Trong thời gian qua, rất nhiều khách hàng thông qua DN môi giới
bảo hiểm để được tư vấn, đánh giá và hỗ trợ quản trị rủi ro.

Do đó, việc có hướng dẫn
cụ thể về doanh thu trong hoạt động môi giới bảo hiểm sẽ giúp DN môi giới bảo
hiểm tận dụng tiềm năng khách hàng, đảm bảo quyền lợi cho chính mình, đồng thời
khẳng định rõ vai trò, vị thế của lĩnh vực môi giới bảo hiểm đối với nền kinh
tế-xã hội, cũng như góp phần thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển.


Theo Tinnhanhchungkhoan.vn