Không phải đến nay việc xây dựng một
cơ sở dữ liệu thống nhất toàn ngành bảo hiểm mới được đặt ra. Nhưng trong thời
đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay thì yêu cầu này càng trở nên cấp
thiết hơn bao giờ hết.
Một tồn tại cũ vẫn chưa giải quyết được đó là, các DNBH vẫn chữa sẵn sàng chia sẻ thông tin với nhau
Theo tổng hợp từ Bộ Tài chính, ngành bảo hiểm hiện đang khai thác
và quản lý một số lượng lớn lên tới hàng chục triệu hợp đồng bảo hiểm, thuộc 12
nhóm nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ và 8 nhóm nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ,
đồng thời dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
“Để quản lý số lượng hợp
đồng lớn với khối lượng thông tin đồ sộ, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp bảo hiểm
(DNBH) nói riêng và toàn ngành bảo hiểm nói chung phải xây dựng hệ thống công
nghệ thông tin và cơ sơ dữ liệu tiên tiến”, ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc Bảo
hiểm BIC cho hay.
Quan điểm của vị CEO này
đã nhận được đồng tình của nhiều CEO DNBH khác khi cho rằng, dù còn nhiều khó
khăn và cần một lộ trình dài hạn, nhưng việc xây dựng một cơ sở dữ liệu thống
nhất toàn ngành bảo hiểm là rất cấp thiết và gần như bắt buộc.
Các DNBH thừa nhận, hệ
thống công nghệ thông tin đang vận hành hiện nay chưa thực sự thuận lợi, nên
rất cần thiết phải xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất toàn ngành
bảo hiểm hiện đại và tiện dụng hơn.
Tính bất tiện thể hiện ở
chỗ, mỗi DNBH đang sử dụng một hệ thống công nghệ thông tin khác nhau, không có
sự liên thông. Đồng thời, cơ sở dữ liệu của các DNBH được lưu trữ độc lập trên
trung tâm dữ liệu riêng của doanh nghiệp đó. Điều này dẫn đến tình trạng phân
tán dữ liệu, gây khó khăn cho công tác quản lý, chia sẻ dữ liệu, chia sẻ thông
tin…
Trong khi đó, một tồn
tại cũ vẫn chưa giải quyết được đó là, các DNBH vẫn chưa sẵn sàng chia sẻ thông
tin với nhau. Các báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động… vẫn được coi là bí mật
kinh doanh đối với mỗi DNBH.
Đưa ra đóng góp cho việc
xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất toàn ngành bảo hiểm, CEO BIC cho
biết, phần mềm của hệ thống dữ liệu thống nhất cần đáp ứng 3 yêu cầu chính, đó
là kịp thời, chính xác và phục vụ tốt cho công tác xúc tiến thương mại của
DNBH, nhằm phục vụ hiệu quả cho hoạt động của toàn ngành bảo hiểm.
“Hệ thống dữ liệu thống
nhất cần tiếp nhận được các bản soft copy (bản mềm) thông tin từ DNBH để kịp
thời tổng hợp các dữ liệu cho toàn thị trường, tiến tới truyền trực tiếp số
liệu từ DNBH về cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm, không phụ thuộc vào việc
tổng hợp các bản hard copy (bản cứng) từ DNBH. Đây là yêu cầu quan trọng giúp
các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm có những chính
sách, điều chỉnh kịp thời với những thay đổi của thị trường”, ông An nói về yêu
cầu liên quan đến tính kịp thời.
Còn về tính chính xác,
các thông tin cung cấp phải theo đúng biểu mẫu, giúp cho việc tổng hợp thông
tin được chuẩn hóa, chính xác và nhanh chóng.
Liên quan đến yêu cầu
phục vụ tốt cho công tác xúc tiến thương mại của DNBH, ông An nhìn nhận, do
DNBH là người bán lời cam kết, mà lời cam kết có uy tín, mang lại niềm tin cho
khách hàng hay không thể hiện ở cơ sở dữ liệu đưa ra công chúng có công khai,
minh bạch để đánh giá đúng về doanh nghiệp hay không.
Thực tế cho thấy, những
lợi ích mà hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, tiên tiến mang lại đang được cụ
thể hóa ngay trong hoạt động quản trị kinh doanh hàng ngày của DNBH. Chẳng hạn
như, các báo cáo tài chính, quản trị điều hành của DNBH có thể được kết xuất
theo thời gian thực (theo ngày, tháng, quý, năm), theo nhiều chiều thông tin,
giúp bộ máy quản trị doanh nghiệp có thể ngay lập tức nắm được tổng thể hoạt
động của toàn hệ thống theo nhiều mảng như: kinh doanh, bồi thường, quản lý rủi
ro…; dữ liệu khách hàng của doanh nghiệp cũng thống nhất trong toàn hệ thống,
giúp ích lớn cho việc đánh giá thông tin khách hàng để đưa ra các chính sách và
phí bảo hiểm phù hợp.
“Với hệ thống công nghệ
thông tin tiên tiến này, BIC đã tự tin, sẵn sàng đáp ứng việc kết nối với hệ
thống dữ liệu chung của toàn ngành bảo hiểm trong thời gian tới”, ông An khẳng
định.
Tất nhiên, vẫn còn có
những DNBH chưa thực sự sẵn sàng cho việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu
thống nhất. Đó cũng chính là những “cái khó”, cản trở việc xây dựng. Vì vậy, để
có thể có được một hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất toàn ngành bảo hiểm, đòi
hỏi sự chung tay góp sức của mọi DNBH trên thị trường, kết hợp với sự đầu tư,
định hướng của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn