“Siêu lũ” vừa qua tại Quảng Ninh được đánh giá
có cường độ và diện bao phủ lớn nhất trong hơn 50 năm qua, ước thiệt hại gần
2.000 tỷ đồng, trong đó riêng ngành than mất khoảng 1.000 tỷ đồng.


“Siêu lũ” vừa qua tại
Quảng Ninh ước thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng, trong đó ngành than mất khoảng
1.000 tỷ đồng

Thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm ở mức thấp

Trước con số thiệt hại
khổng lồ nêu trên, ghi nhận từ các DN bảo hiểm lớn cũng như DN chuyên cung cấp
bảo hiểm cho các DN ngành than cho thấy, mức thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo
hiểm được xác định đến thời điểm này không quá lớn, chỉ vài tỷ đồng mỗi DN bảo
hiểm.

Bảo hiểm Bảo Việt ghi
nhận tổn thất sơ bộ của khách hàng có tham gia bảo hiểm tại Tổng công ty là
trên 4 tỷ đồng. Trong đó có vụ tàu cá mang số hiệu TH-91287TS (chủ tàu là ông
Ðặng Vãn Toanh) bị chìm, cùng 7 thuyền viên bị mất tích.

Tàu tham gia bảo hiểm
tai nạn thuyền viên với mức trách nhiệm là 70 triệu đồng/người trong trường hợp
chết/mất tích; bảo hiểm thân tàu với mức trách nhiệm là 500 triệu đồng.
Bảo hiểm Bảo Việt đã tiến hành giám định và thu thập thông tin về thiệt hại
liên quan. Ước tổn thất về tàu là 500 triệu đồng và về người là 420 triệu đồng.

Ngoài ra, tại Bảo hiểm
Bảo Việt có 3 khách hàng tại Quảng Ninh bị thiệt hại về tài sản – kỹ thuật, ước
tính khoảng 2,250 tỷ đồng, cùng hàng trăm xe cơ giới bị thiệt hại do ngập nước.

Tại một DN bảo hiểm lớn
khác là Bảo hiểm PVI, ước con số thiệt hại ban đầu gần 1 tỷ đồng.

“Tính tới thời điểm này,
Bảo hiểm PVI ghi nhận được thiệt hại chủ yếu về xe cơ giới, với trên 20 thông
báo nhận từ khách hàng có mua bảo hiểm ô tô, còn các con số liên quan đến tài
sản, nhà cửa, hàng hóa đang được tổng hợp”, nguồn tin từ Bảo hiểm PVI cho hay.

Còn tại Tổng CTCP Bảo
hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) – DN chuyên cung cấp bảo hiểm cho các DN ngành than
thì mức thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm cũng chỉ vài tỷ đồng.

“Hiện chưa có thống kê
đầy đủ về tổn thất của BSH sau bão lũ ở Quảng Ninh, nhưng tính đến thời điểm
này, BSH đã bồi thường bảo hiểm xe cơ giới xấp xỉ 1 tỷ đồng. Ngoài ra, có những
tổn thất máy móc bị sạt lở, hiện chưa có điều kiện giám định mức độ bồi thường,
nhưng ước bồi thường khoảng 2 – 3 tỷ đồng”, nguồn tin từ BSH cho biết vào chiều
30/7.

Ghi nhận từ Bảo hiểm Bảo
Long – DN được coi là đối tác lớn của ngành than, hiện vẫn chưa có thông báo rõ
ràng và chi tiết về mức độ thiệt hại sau bão lũ ở Quảng Ninh. Công ty sẽ cung
cấp đầu đủ ngay sau khi có thông tin.

Một số DN bảo hiểm khác cho hay, DN đang trong quá trình cập nhật
thông tin. Hiện tại, mức độ thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khoảng trên
dưới 1 tỷ đồng tại mỗi DN bảo hiểm.


Cần quan tâm mua bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm thủy kích

Ước thiệt hại do bão lũ
lên tới gần 2.000 tỷ đồng, nhưng mức thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm được
xác định đến thời điểm này còn khiêm tốn, theo các DN bảo hiểm, chủ yếu do các
đối tượng bị thiệt hại không mua bảo hiểm và do DN chưa tiếp cận đầy đủ được
hiện trường. Cụ thể, đến chiều 31/7, nhiều khu vực như Vân Đồn, Cẩm Phả vẫn còn
bị chia cắt nên chưa thể thống kê được đầy đủ thiệt hại về tài sản.

Riêng xe cơ giới, thống
kê sơ bộ hiện có hơn 1.000 xe bị thiệt hại do ngập nước. Trong đó, tại Bảo hiểm
Bảo Việt, con số này chiếm hàng trăm xe. Tuy nhiên, DN bảo hiểm này cho hay, số
lượng xe tham gia bảo hiểm với điều khoản thủy kích rất ít.

”Qua giám định sơ bộ,
những xe tham gia bảo hiểm tại Bảo hiểm Bảo Việt thì có 10 xe bị hư hỏng máy do
thủy kích, số còn lại chỉ bị hư hỏng do nước vào trong xe hoặc không mua bảo
hiểm thủy kích. Ước tổng thiệt hại xe cơ giới được Bảo hiểm Bảo Việt giám định
và ghi nhận thiệt hại là 400 triệu đồng, chưa kể nhiều xe có thiệt hại nhỏ
nhưng chưa thông báo hoặc giám định đầy đủ”, thông tin từ Bảo hiểm Bảo Việt cho
hay.

Từ thiên tai bất ngờ tại
Quảng Ninh lần này cũng như các trường hợp tương tự trước đó thêm một lần nữa
khẳng định vai trò không thể thiếu của bảo hiểm đối với mỗi cá nhân và tổ chức,
nhưng dường như vẫn chưa được các đối tượng này quan tâm đúng mức.

”Chúng tôi thêm một lần
nữa khuyến cáo người dân và các tổ chức nên tham gia bảo hiểm một cách đầy đủ
hơn, từ bảo hiểm con người đến bảo hiểm tài sản. Cứ thử hình dung, với mỗi vụ
thiên tai bất ngờ ập đến như Quảng Ninh lần này, thiệt hại rất lớn, nếu không
mua bảo hiểm thì chính họ sẽ phải gánh chịu, không ai chịu thay”, lãnh đạo một
DN bảo hiểm nói và cho biết, ngoài việc mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân
sự chủ xe cơ giới thì cần phải mua bảo hiểm vật chất xe, nhưng thế vẫn chưa đủ,
phải mua thêm bảo hiểm thủy kích – rất cần thiết với đặc thù bão lũ, thiên tai
như Việt Nam.

Theo Tinnhanhchungkhoan.vn