Tổng kết con số tổn thất
và bồi thường bảo hiểm xe cơ giới sau vụ giông lốc tại Hà Nội, cũng như trong
đợt mưa lũ vừa qua tại các tỉnh phía Bắc của các công ty bảo hiểm cho thấy, tổn
thất của xe cơ giới không được bảo hiểm là khá lớn.
Tại Việt Nam, phần lớn người sử dụng xe cơ giới đều chỉ mua bảo
hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Tuy nhiên, ngay trong
trường hợp đã mua đầy đủ loại bảo hiểm này, theo quy định, số tiền bồi thường
tối đa mà các công ty bảo hiểm chi trả cho mỗi nạn nhân bị thiệt hại thân thể
là khoảng 70 triệu đồng (số tiền bồi thường này không dành cho chủ xe mà dành
cho nạn nhân có liên quan). Chính vì vậy, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự
của chủ xe cơ giới chỉ mới là điều kiện cần nhưng chưa đủ cho mỗi người sở hữu
phương tiện cơ giới.
Trong đợt mưa lũ vừa qua tại các tỉnh phía Bắc, phần lớn chủ xe cơ
giới chịu thiệt hại không nhận được bồi thường. Một mặt, do chủ xe chưa quan
tâm tới phòng ngừa rủi ro thông qua việc tham gia bảo hiểm vật chất xe. Đa số
chủ xe cho rằng, ít có khả năng xe của họ bị hư hỏng do những thiên tai bất
ngờ, không kiểm soát được, như đợt mưa lũ vừa qua. Mặt khác, chủ xe không biết
cách xử lý nhằm giảm thiệt hại khi gặp tình huống mưa lũ (cần tháo cực ắc quy
ngay khi thấy xe bị ngập nước hoặc khi có điều kiện phải nhanh chóng tháo dỡ
các chi tiết điện tử và làm khô kịp thời…).
Đại diện Bảo Việt cho biết, ngoài tai nạn giao thông, xe cơ giới
còn chịu thiệt hại do những tác động không lường trước từ thiên tai, hậu quả
của sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần
đây. Tại các nước tiên tiến, hầu hết chủ xe cơ giới đều tham gia bảo hiểm vật
chất cho phương tiện của mình, mặc dù phí bảo hiểm khá cao. Trong khi, phí bảo
hiểm vật chất xe ở Việt Nam so với các nước khác là rất thấp, chỉ chiếm khoảng
1,5% giá trị của chiếc xe, nhưng các chủ xe vẫn chưa mặn mà.
Trao đổi với ĐTCK, đại diện Liberty nhận định, một số liệu đáng
suy ngẫm sau đợt mưa lũ vừa qua đối với bảo hiểm xe cơ giới là chưa tới 50%
khách hàng mua bảo hiểm vật chất xe cơ giới; với những xe đã sử dụng sau 3 năm
thì tỷ lệ mua bảo hiểm còn ít hơn. Ngoại trừ Liberty, các công ty bảo hiểm
thường không bao gồm thủy kích trong gói bảo hiểm cơ bản. Ở những địa phương ít
có rủi ro ngập lụt như Quảng Ninh, số lượng khách hàng mua thêm điều khoản thủy
kích rất ít ỏi, nên khi rủi ro xảy ra, chủ xe không nhận được bồi thường.
“Bài học rút ra cho khách hàng khi mua bảo hiểm xe cơ giới là nên
mua một gói bảo hiểm toàn diện để được yên tâm tuyệt đối. Tiếc là hầu hết các
khách hàng chỉ mua bảo hiểm khi thấy rủi ro quá cao”, vị đại diện công ty bảo
hiểm trên cho biết.
Chia sẻ về việc số tiền bồi thường các công ty bảo hiểm phải chi
trả thấp hơn so với tổn thất thực tế, đại diện một công ty bảo hiểm cho biết,
nguyên nhân là do số lượng khách hàng mua bảo hiểm vật chất chưa cao. Bên cạnh
đó, nhiều khách hàng mua bảo hiểm nhưng không mua thêm điều khoản bổ sung là
thủy kích. Do đó, khi xe ô tô bị thiệt hại do thủy kích (nguyên nhân chủ yếu
gây tổn thất cho các xe ô tô trong trận lũ vừa qua tại Quảng Ninh) sẽ không
được bồi thường.
Đối với việc mua bảo hiểm xe cơ giới, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
đã từng khuyến cáo, ngoài việc chú ý chọn mua bảo hiểm ở những hãng có chế độ
chăm sóc khách hàng sau bán hàng tốt (bao gồm: cách xử lý thông tin về tai nạn;
phương tiện cứu hộ; hệ thống garage sửa chữa; phương thức bồi thường; đặc biệt
là quyền được sửa chữa và thay thế phụ tùng tại các garage chính hãng, những
nơi có trang thiết bị tốt nhất…), để bảo vệ quyền lợi của mình, khách hàng nên
chọn sản phẩm có phạm vi rủi ro được bảo hiểm rộng nhất và rủi ro được loại trừ
hợp lý nhất.
Trước những rủi ro tiềm ẩn, có mức thiệt hại lớn như vừa qua, việc
tham gia bảo hiểm là lựa chọn thiết yếu của chủ xe cơ giới ngay khi mua xe hay
hết hạn bảo hiểm xe (tái tục bảo hiểm) nhằm giảm bớt gánh nặng về tài chính nếu
không may chịu tổn thất.
Theo ĐTCK