Thời gian gần đây, ngành bảo hiểm đã ứng dụng công nghệ
hiện đại nhằm giúp khách hàng thực hiện các giao dịch mua bảo hiểm và quản lý
khiếu nại trực tuyến. Giờ đây, đến lượt các nhà giám định bảo hiểm cũng được sử
dụng công nghệ online.

Đến năm 2020, dự kiến số lượng các thiết bị di động sẽ
vượt xa tổng dân số toàn thế giới, thậm chí cao gấp 4 lần. Hiện nay, doanh
nghiệp bảo hiểm đã chú trọng sử dụng các phần mềm và trò chơi trên thiết bị di
động cũng như các trang web thông tin để tiếp cận khách hàng.


Theo Tiến sỹ Kit Yarrow, tác giả cuốn “Giải mã suy nghĩ
người tiêu dùng” (Decoding the Consumer Mind): “người có thể vượt trước người
khác, như tôi thường gọi là technovative, là người có khả năng sáng tạo và
trình độ công nghệ rất cao”.


Tuy nhiên, trong khi những tiến bộ công nghệ này đang
từng bước được áp dụng tại các doanh nghiệp bảo hiểm thì hầu như chưa có ứng
dụng đáng kể nào nhằm giảm tải công việc cho các nhà giám định.


Ông Tom Slimak, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty
Giám định tài sản (PDA) và từng là chuyên gia giám định trong nhiều năm, nói:
“Theo tôi, sự nảy sinh nhu cầu khách hàng về quản lý cuộc sống của mình thông
qua các thiết bị di động và hợp đồng bảo hiểm, mua sản phẩm mới hay thay đổi
các chi tiết trong hợp đồng… là một bước phát triển tất yếu”. Nhưng điều đó còn
khá xa lạ với các chuyên gia giám định.


Ông Tom Slimak bổ sung: “Là nhà giám định, rất khó khăn
để bố trí lịch làm việc của mình sao cho phù hợp với lịch của chủ phương tiện,
đặc biệt là các chủ xe tải hạng nặng, bởi họ không thể chờ đợi lâu”.


Trước thực tế đó, PDA đã phát triển một phần mềm di động
mới dựa trên giao diện web có tên gọi “PDA Xpress”. Với sự ra đời của phần mềm
này, vấn đề thời gian trong giám định bồi thường đã được xử lý, đồng thời khách
hàng sở hữu các máy móc hạng nặng có thể giao dịch dễ dàng với giám định viên.


“PDA Xpress” cho phép khách hàng chụp ảnh tổn thất, sau
đó gửi cho một mạng lưới gồm 10.000 chuyên gia giám định và nhận phản hồi chỉ
trong vòng vài giờ.


Từ trước tới nay cũng đã có một số phần mềm cho phép
người dùng chụp ảnh, ghi chép và gửi cho giám định viên sau khi xảy ra tai nạn,
tuy nhiên đến nay phần lớn đều đã trở nên lạc hậu.


Ngoài PDA Xpress, hiện không có công cụ di động nào phục
vụ chủ yếu cho các nhà giám định và khách hàng.


“Sự khác biệt chính giữa PDA Xpress và các công cụ khác
là khả năng đưa ra đánh giá giám định trong mọi trường hợp”, ông Slimak nhấn
mạnh. “Cái PDA có là mạng lưới giám định viên trên toàn quốc (HoaKỳ). Do vậy,
trong trường hợp giám định viên nào đó gặp khó khăn trong việc đưa ra đánh giá
giám định, chúng tôi sẽ chuyển ngay tổn thất đó cho các giám định viên khác phù
hợp hơn xử lý”.


Bên cạnh đó, PDA cũng đang kỳ vọng tăng cường hơn nữa
năng lực công nghệ của mình thông qua việc hợp tác với doanh nghiệp có mối quan
hệ công việc trực tiếp với các nhà giám định, chẳng hạn các bãi xe cũ – đây là
nơi có thể cung cấp thông tin về các bộ phận của xe thông qua PDA Xpress. Sự
hợp tác này có thể đẩy nhanh quá trình giải quyết khiếu nại bồi thường. Cụ thể,
các xe bị tổn thất toàn bộ sẽ được chuyển tới bãi xe cũ, sau đó được chụp ảnh
và gửi tới PDA. Những tư liệu đó không chỉ giúp giám định viên đánh giá tổn
thất mà còn được sử dụng để dự kiến những khiếu nại phát sinh sau này.


PDA là công ty giám định thành lập năm 1963 tại Fort
Worth, bang Texas, Hoa Kỳ. Công ty vận hành theo cơ chế nhượng quyền thương
hiệu (franchise), theo đó toàn bộ hệ thống của PDA và các đại lý nhượng quyền
phục vụ trên 5.000 khách hàng và xử lý thành công trên 600.000 vụ giám định và
điều tra mỗi năm.


Theo
PropertyCasualty360