Thị trường bảo hiểm được kỳ vọng sẽ
có những chuyển biến tích cực và phát triển bền vững. Tuy nhiên, tỷ lệ bồi
thường ở nhiều nghiệp vụ gia tăng, cạnh tranh khốc liệt ở một số nghiệp vụ cá
nhân và lãi suất ngân hàng cũng như trái phiếu đều giảm là những yếu tố ảnh
hưởng không nhỏ đến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân
thọ trong năm 2014.



Thị trường bảo hiểm đang cạnh tranh khốc liệt
ở phân khúc bảo hiểm xe cơ giới


Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính, 7
tháng đầu năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ
ước đạt 15.787 tỷ đồng, tăng 13,79% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là mức tăng
trưởng khá cao trong bối cảnh khối này vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc khai
thác những phân khúc truyền thống vì kinh tế chưa thực sự phục hồi.

 

Tỷ lệ bồi thường của khối này, theo số liệu của
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, cũng đã có những chuyển biến khá tích cực. Cụ
thể, 7 tháng đầu năm, số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường phi
nhân thọ ước đạt 5.606 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 35,51%,
thấp hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2013 (43,71%).

 

Cuối năm cũng là giai đoạn các công ty bảo hiểm
“chạy nước rút”. Trong cuộc đua này, sẽ có những công ty bảo hiểm bứt lên,
nhưng cũng có công ty “đuối” dần. Nhưng nhìn chung, mức độ cạnh tranh sẽ trở
nên khốc liệt hơn, đòi hỏi tất cả công ty bảo hiểm phải không ngừng nỗ lực để
đạt được các mục tiêu đặt ra, đặc biệt là trong bối cảnh 27/29 công ty bảo hiểm
đã phải chịu thiệt hại nặng nề trong các vụ gây rối ở Bình Dương và Hà Tĩnh
thời gian qua.

 

Có ý kiến cho rằng, những tín hiệu tích cực của
nền kinh tế chưa đủ để các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thể lạc quan,
bởi các doanh nghiệp khối này vẫn tiếp tục phải đối mặt với tình trạng cạnh
tranh phi kỹ thuật như hạ phí, mở rộng điều khoản, tăng chi ngoài…

 

Theo các chuyên gia trong ngành, do các nghiệp
vụ bảo hiểm truyền thống vẫn khó có thể phục hồi trong thời gian ngắn, nên việc
đẩy mạnh khai thác các sản phẩm bán lẻ mà đặc biệt là bảo hiểm xe cơ giới là
rất cần thiết. Tuy nhiên, việc tăng trưởng quá nhanh không thể tránh khỏi những
khó khăn trong quản lý, đặc biệt là quản lý đội ngũ đại lý, quản lý ấn chỉ…

 

Giám đốc maketing của một công ty bảo hiểm nước
ngoài chia sẻ, thị trường bảo hiểm đang cạnh tranh khốc liệt ở phân khúc bảo
hiểm xe cơ giới. Một số công ty bảo hiểm liên tục tung ra những chương trình
khuyến mại, còn đại lý thì tìm cách giảm phí cho khách…, khiến phân khúc này
tiếp tục bị “đốt nóng”.

Thực tế, cạnh tranh gây gắt trong phân khúc này
chưa bao giờ giảm vì đây là nghiệp vụ luôn có tốc độ tăng trưởng cao và mang
lại doanh thu cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

 

Tuy nhiên, một chuyên gia trong ngành cho rằng,
sau một thời gian tạm im ắng, việc các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lại
tiếp tục cạnh tranh theo kiểu “bán máu” ở phân khúc này không chỉ gây rối loạn
thị trường mà về lâu dài, chất lượng dịch vụ chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi
doanh thu không đủ bù đắp chi phí và bồi thường tổn thất.

 

Ngoài vấn đề cạnh tranh phi kỹ thuật, vấn đề đầu
tư sinh lời cũng khiến hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đau đầu vì lãi suất tiết
kiệm và trái phiếu chính phủ vẫn tiếp tục giảm, trong khi chi phí hoạt động vẫn
ở mức cao đang và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các công ty bảo hiểm,
vốn đã ở mức thấp trong vài năm qua. Một số công ty bảo hiểm đã niêm yết trên
sàn chứng khoán cũng đã có báo cáo giải trình đến cơ quan chức năng vì giảm lợi
nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính quý III/2014 so với cùng kỳ năm 2013.
Nguyên nhân chính là do lãi suất tiền gửi năm 2014 giảm mạnh nên lợi nhuận của
các khoản đầu tư tiền gửi giảm so với cùng kỳ năm trước.

 

Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân
thọ cũng được cảnh báo phải sẵn sàng đối mặt với những vụ bồi thường lớn, đặc
biệt là ở nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro cháy nổ. Đây là nghiệp vụ có nhiều tổn thất
lớn liên tiếp xảy ra trong thời gian qua. Rủi ro cháy nổ cũng đã được các
chuyên gia bảo hiểm quốc tế đánh giá là một trong những nghiệp vụ gây thiệt hại
lớn cho ngành bảo hiểm phi nhân thọ.

 

Theo ĐTCK