Ngày 30/7 vừa qua, Chính phủ Anh ra thông báo cho biết ô tô không người lái sẽ được phép lưu thông trên đường kể từ đầu năm tới. Từ kinh nghiệm các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức đã thử nghiệm ô tô không người lái, trong thời gian tới, 3 thành phố của Anh sẽ được chọn để tiến hành những thử nghiệm tương tự trong vòng ít nhất 18 tháng. Bài viết dưới đây sẽ phân tích tác động của công nghệ này tới các doanh nghiệp bảo hiểm.




Giảm tai nạn nhưng tăng quy mô chi phí mỗi vụ
khiếu nại bồi thường

 

Hàng năm, tại Anh có trên 1.700 người chết và
180.000 người bị thương do tai nạn ô tô, trong số đó có khoảng 90% xuất phát từ
lỗi của người điều khiển xe. Ô tô không người lái có thể loại bỏ các nguyên
nhân gây tai nạn do lỗi của người lái và do vậy có thể làm giảm phần lớn nguy
cơ tai nạn giao thông. 

 

Mẫu xe không người lái Toyota Prius của Google
đã được chạy thử nghiệm tự động trên 700.000 dặm mà không gây ra bất kỳ tai nạn
nào. Đối với ngành bảo hiểm, điều này đồng nghĩa với việc phần lớn trách nhiệm bồi
thường thiệt hại cho bên thứ ba sẽ tự động biến mất.Theo ước tính của Forbes,
phí bảo hiểm vì thế sẽ giảm tới 75%.

 

Tuy nhiên, với giá bán xe không người lái cao
ngất ngưởng (khoảng 170.000 Bảng/xe), chi phí thay thế hoặc sửa chữa bộ phận
sau mỗi vụ đâm va cũng sẽ rất cao. Bên cạnh đó, nếu nguyên nhân tai nạn xuất
phát từ hệ thống điều khiển tự động thì việc tiến hành phân tích phần mềm và
phần cứng để tìm lỗi sẽ hết sức tốn kém. Mặc dù chi phí cho công nghệ này sẽ
giảm dần theo thời gian và sự tiến bộ của khoa học công nghệ, song sự đắt đỏ kể
trên vẫn khiến giá phí bảo hiểm và chi bồi thường tăng cao, đồng thời làm tăng
nhu cầu đối với các đơn bảo hiểm toàn diện xe.

 

Giảm thiểu trục lợi bảo hiểm 

 

Sự tăng lên cả về số lượng và khả năng tiếp
cận của dữ liệu sẽ có lợi cho ngành bảo hiểm trong nỗ lực đánh giá chính xác
rủi ro của chủ hợp đồng và giảm thiểu các khiếu nại gian lận. Ông Nick
Beecroft, Giám đốc Nghiên cứu và Rủi ro mới nổi của Lloyd’s nói: “Sử dụng
xe không người lái sẽ giúp các hãng bảo hiểm có được bức tranh toàn cảnh và chi
tiết về rủi ro”. Người tham gia bảo hiểm sẽ không còn có cơ hội gian dối về
nguyên nhân rủi ro hoặc khai tăng rủi ro, qua đó giảm đáng kể chi bồi thường
cho gian lận bảo hiểm.

 

Sự chuyển dịch sang bảo hiểm trách nhiệm sản
phẩm

 

Với ô tô không người lái, rủi ro có thể sẽ
chuyển dịch từ người lái xe sang nhà sản xuất ô tô, tất nhiên điều này còn phụ
thuộc vào các quy định pháp lý trong tương lai. Khi sử dụng công nghệ này, tai
nạn xe hơi phần lớn là do trục trặc của hệ thống điều khiển, khiến cho nhà sản
xuất phải đứng ra mua bảo hiểm cho toàn đội xe của mình thay vì từng chủ xe mua
bảo hiểm như hiện nay. Như vậy sẽ có sự dịch chuyển từ dòng sản phẩm bảo hiểm
cá nhân sang bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, hệ quả là nguy cơ tích tụ rủi ro
tăng cao trong trường hợp lỗi hệ thống ảnh hưởng tới hàng loạt xe cùng
lúc. 

 

Tuy nhiên, nhu cầu bảo hiểm cá nhân về ô tô
vẫn tồn tại vì việc sử dụng công nghệ mới không loại bỏ được hoàn toàn các lỗi
do con người gây ra. Chẳng hạn khi xe bị sử dụng quá công suất gây tai nạn thì
trách nhiệm sẽ thuộc về người lái.

 

Rủi ro mạng và khủng bố 

 

Một mối lo khác cho các hãng bảo hiểm là rủi
ro mạng và nguy cơ bị xâm nhập hệ thống. Sự vận hành của ô tô không người lái
có thể phải dựa trên kết nối Internet, và rủi ro bị ngắt mạng là không tránh
khỏi. Ở mức độ đơn giản, hacker có thể can thiệp hệ điều hành gây tắc đường
hoặc làm thay đổi lộ trình chạy xe.

 

Bên cạnh đó, ô tô không người lái sẽ là mục
tiêu lý tưởng cho tội phạm. Chẳng hạn chủ xe để quên chìa khóa điện trong xe
khi đi mua hàng, tội phạm sẽ ăn cắp xe hoặc sử dụng và điều khiển xe cho mục
đích tấn công khủng bố. Dẫu rằng điều này không gây ảnh hưởng tới thị trường
bảo hiểm ô tô vì đơn bảo hiểm chuẩn không bảo vệ cho việc sử dụng xe vào các
hành động phi pháp, tuy nhiên đây vẫn là rủi ro tiềm tàng dẫn đến tổn thất phải
bồi thường trong một số trường hợp nhất định.

 

Khả năng hiện thực hóa 

 

Những dự đoán trên đây sẽ vẫn chỉ là dự đoán
nếu công nghệ ô tô không người lái không được áp dụng phổ biến. Rủi ro đâm va
do lỗi của người lái xe vẫn luôn tồn tại trong các vụ va chạm giữa hai xe
“bình thường” hay giữa một xe “bình thường” và một xe không người
lái, trừ phi tất cả ô tô lưu hành trên đường đều là xe không người lái. Trong
những trường hợp tai nạn như vậy, việc phân định lỗi thuộc về ai là hết sức khó
khăn.

 

Nếu số xe sản xuất theo công nghệ mới đáp ứng
được 10% các hoạt động giao thông thì phải mất chừng 20 năm mới thay thế được
toàn bộ ô tô lưu thông trên đường. Thêm vào đó, một khảo sát gần đây cho thấy
có hơn 50% số người được hỏi cho rằng họ không tin tưởng vào công nghệ vận hành
xe tự động và sẽ vẫn tiếp tục lái xe. Kể cả đến khi có quy định bắt buộc sử
dụng toàn bộ ô tô không người lái thì vẫn sẽ có những người phản đối quy định
này và muốn tự mình điều khiển xe. Như vậy, bảo hiểm trách nhiệm đối với người
thứ ba vẫn còn không gian tồn tại.

 

Nhà bảo hiểm cần chuẩn bị gì?

 

Mặc dù tương lai cho công nghệ không người lái
khá tươi sáng song sẽ cần khá nhiều thời gian để ô tô sử dụng công nghệ này
được sử dụng vào cuộc sống thường nhật, và vì thế chưa thể có tác động tới
ngành bảo hiểm trong thời gian trước mắt. Ông Andrew Miller, Giám đốc Kỹ thuật
của công ty Thatcham, khẳng định bảo hiểm cá nhân về xe cơ giới sẽ tiếp tục tồn
tại “trong một thời gian dài”. 

 

Cho dù hiện nay chúng ta chỉ có thể đưa ra các
câu hỏi thay vì câu trả lời cho vấn đề này, song trên phương diện các hãng bảo
hiểm, việc tính tới các tác động trong tương lai khi áp dụng công nghệ không
người lái là việc rất nên làm. Các doanh nghiệp bảo hiểm khai thác được lợi thế
từ quy mô dữ liệu tăng lên và thiết kế sản phẩm phù hợp với sự dịch chuyển rủi
ro sẽ là người đi trước đối thủ và có khả năng tìm kiếm các cơ hội lợi nhuận
trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của thị trường.


Theo Actuarialpost