Hàng loạt sự cố liên quan đến các khoản chi trả hàng trăm triệu USD có thể đẩy phí bảo hiểm lên cao, đặc biệt với các hãng bay hoạt động tại những vùng đang xung đột như Ukraine, Trung Đông hay Bắc Phi.


Còn trên Insurance Business America, Chủ tịch Viện Thông tin Bảo hiểm – Robert Hartwig cho biết những việc này có thể thay đổi cấu trúc chi phí trong ngành bảo hiểm hàng không. “Những thiệt hại liên tiếp trong ngành bảo hiểm hàng không có thể đẩy phí bảo hiểm lên cao. Đặc biệt là với các hãng bay có hoạt động tại những vùng đang xung đột chính trị và quân sự, như Ukraine, Trung Đông, Bắc Phi”, ông cho biết.


Trước đây, những tiêu chí đánh giá rủi ro và ấn định phí bảo hiểm hàng không chỉ là tuổi thọ đội bay, sức chứa hành khách, kinh nghiệm của phi công, lịch sử bảo dưỡng và tuân thủ tiêu chuẩn an toàn quốc tế.


Một hãng hàng không thường mua nhiều hợp đồng bảo hiểm.Trong đó, loại chính là bảo hiểm “toàn bộ rủi ro” – chi trả tất cả phí liên quan đến tai nạn. Khoản lớn nhất là thanh toán cho gia đình hành khách. Trong vụ MH17 bị bắn hạ tại Ukraine, các công ty bảo hiểm sẽ phải chi trả 2 loại, là bồi thường cho gia đình và bồi thường hỏng hóc máy bay.


Nhóm công ty bảo hiểm dẫn đầu bởi Allianz (Đức) sẽ chịu trách nhiệm chi trả loại hợp đồng “toàn bộ rủi ro”. Theo Sean Gates – Chủ tịch hãng Tư vấn Quản lý Rủi ro Hàng không – Gates Aviation, tai nạn này khó có thể kết luận là do bất cẩn, do cùng thời điểm, nhiều máy bay khác cũng đang hoạt động quanh đó.


Theo thỏa thuận quốc tế về bồi thường cho nạn nhân đi máy bay, nếu Malaysia Airlines bị kết luận không phải do bất cẩn, nghĩa vụ của họ với mỗi hành khách sẽ chỉ dừng lại ở hơn 170.000 USD, tương đương 51 triệu USD tổng cộng. Nhưng nếu hãng bay bị kết luận mắc lỗi này, phí bảo hiểm có thể lên tới hàng trăm triệu USD. Con số chính xác sẽ chỉ được biết sau đó vài tháng hoặc vài năm,Financial Timescho biết.


Trong khi đó, phí trả cho việc máy bay bị hủy hoại rõ ràng hơn, vào khoảng 100 triệu USD. Nhưng công ty nào phải trả phí này còn tùy thuộc vào nguyên nhân tai nạn. Nếu bị bắn hạ, kể cả do sơ suất, nhóm bảo hiểm do Atrium (Anh) đứng đầu sẽ phải trả phí “rủi ro chiến tranh trong hàng không”. Còn nếu không, Allianz sẽ phải trả hết theo hợp đồng “toàn bộ rủi ro”.

Trong trường hợp nguyên nhân gây tranh cãi, hai nhóm bảo hiểm có thể thỏa thuận phân chia phần trả, như trong trường hợp MH370 mất tích hồi tháng 3.


Cũng như vụ MH17, cuộc tấn công vào sân bay Tripoli (Libya) tuần trước cũng được dự đoán khiến các hãng bảo hiểm chi ra 200 triệu USD, theo Barclays. Những thiệt hại này sẽ khiến phí bảo hiểm hàng không nhích lên.


Tuy nhiên, giới phân tích đều có chung nhận định dù phí bảo hiểm có thể tăng lên sau thảm kịch MH17, phí này vẫn sẽ khó tăng mạnh. Phí bảo hiểm nói chung sẽ vẫn duy trì ở mức thấp. Một phần vì tỷ lệ vốn bắt buộc cho bảo hiểm hàng không thấp. Tăng rõ rệt nhất có lẽ chỉ là phí cho mảng “rủi ro chiến tranh trong hàng không”.


Thông thường, mỗi hãng hàng không chi hàng triệu USD mỗi năm để mua bảo hiểm. Vì vậy, trênFinancial Times,các hãng môi giới cho biết thị trường bảo hiểm hàng không toàn cầu sẽ vẫn có nguồn thu tốt, bất chấp các tai nạn mới xảy ra.


Xảy ra cách nhau 4 tháng, 2 tai nạn của Malaysia Airlines vốn đã đủ để gây rung chuyển thị trường. Nhưng tuần trước, lực lượng nổi dậy tại Libya lại tấn công sân bay thủ đô Tripoli, khiến 20 máy bay bị phá hủy. Sân bay Karachi của Pakistan đầu tháng 6 cũng bị thiệt hại sau vụ đột kích của nhóm khủng bố Taliban. Những sự cố này có nghĩa ngành bảo hiểm sẽ phải chi ra cả núi tiền bồi thường.


New York Times ước tính 5 tháng qua, chỉ riêng mảng “bảo hiểm rủi ro chiến tranh trong hàng không” (gồm thiệt hại từ các hoạt động như xâm lược, đảo chính, không tặc) đã phải đối mặt với khoản chi 600 triệu USD. Trong khi đó, mảng này thường chỉ thu về 65 triệu USD mỗi năm tiền phí.


Tổng hợp Internet