Khi phát sinh rủi ro bồi thường đối với hợp đồng bảo hiểm, số tiền chi trả có thể gấp hàng ngàn lần so với số phí bảo hiểm thu được. Bài viết trình bày một trường hợp nghiên cứu cụ thể nhằm cung cấp cho bạn đọc một số kinh nghiệm cũng như các kiến thức nền tảng về bảo hiểm khi tham gia vào thị trường tài chính này.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC DỰ PHÒNG RỦI RO


Khi phát sinh rủi ro bồi thường đối với hợp đồng bảo hiểm, số tiền chi trả có thể lớn gấp hàng ngàn lần so với số phí bảo hiểm thu được (phí bảo hiểm thường từ 0,05% đến 0,3% tính trên số tiền bảo hiểm). Vì vậy, việc tính toán đúng dự phòng rủi ro là vấn đề rất quan trọng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm. Vậy nhưng, không phải đơn vị bảo hiểm nào cũng tuân thủ các biện pháp kỹ thuật định phí một cách nghiêm túc. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xử lý bồi thường khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Qua diễn biến vụ việc Công ty Cổ phần Bảo hiểm P từ chối bồi thường Công ty In Vina – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực “in ấn và cho thuê kho bãi” sẽ giúp khách hàng tham gia bảo hiểm có thêm kinh nghiệm cũng như các kiến thức về bảo hiểm khi tham gia vào thị trường tài chính này.ảo hiểm nào cũng tuân thủ các biện pháp kỹ thuật định phí một cách nghiêm túc. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xử lý bồi thường khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.

VÌ SAO CÔNG TY In – Vina BỊ TỪ CHỐI BỒI THƯỜNG?


Diễn biến sự việc


Năm 2013, cơn bão số 13 (tên gọi là HaiYuan) đổ bộ vào Việt Nam đã gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, Công ty Cổ phần Bảo hiểm P cũng chịu chung cảnh ngộ, trong đó có kho hàng của Công ty In -Vina.

Công ty In – Vina là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực “in ấn và cho thuê kho bãi”, ký hợp đồng bảo hiểm với Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm P theo điều khoản “Đơn vị tiêu chuẩn bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt”.

Sáng ngày 07/11/2013, phát hiện trên 1.000 bộ máy lạnh gia dụng mới nằm trong kho đã bị ngập trong nước. Thay mặt đơn vị bảo hiểm, bắt đầu lấy lời khai nhân chứng, lập biên bản kiểm đếm, ghi nhận số lượng hàng hóa bị ngập nước.

Ngày 24/12/2013, VIET-A (đơn vị giám định) tổ chức cuộc họp với đại diện của công ty bảo hiểm và người được bảo hiểm. Thay vì nhận được chia sẻ do tổn thất, Công ty In-Vina chính thức nhận được thông báo rằng lô hàng ngập nước bị từ chối trả tiền bảo hiểm. Lý do theo nhà bảo hiểm đưa ra là:

Căn cứ theo hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) đã cấp, Công ty bảo hiểm chỉ nhận bảo hiểm cho các tài sản thuộc sở hữu của Công ty In-Vina. Đối tượng bị tổn thất trong sự cố này là tài sản không thuộc sở hữu của công ty, thuộc sở hữu của khách hàng do công ty trông giữ. Do đó, các hàng hóa bị tổn thất trong sự cố này không phải là tài sản được bảo hiểm theo HĐBH;

Theo đơn vị giám định, hàng hóa bị ngập nước để trong kho của Công ty In-Vina là do “triều cường dâng cao và kết hợp với mưa lớn trên diện rộng” là nguyên nhân gây tổn thất chứ không phải là “lụt” làm tổn thất hàng hóa. Do đó, không thuộc trách nhiệm hợp đồng bảo hiểm đã ký. Ngoài ra, theo đơn vị giám định này, “hiện tượng thời tiết tại thời gian và địa điểm tổn thất trong sự cố này, được gọi là thiên tai”. Căn cứ vào hợp đồng thuê kho, nhà bảo hiểm cho rằng Công ty In-Vina được miễn trách với khách hàng trong điều kiện thiên tai và do đó không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.

Với những nội dung nêu trên, ban lãnh đạo Công ty In-Vina và ê kíp làm việc đã phải soát lại toàn bộ hợp đồng, tìm kiếm và tra cứu từng thuật ngữ “giông, bão, lụt”… “Lụt” là gì? thế nào gọi là “lụt” và như thế nào gọi là “triều cường”?

Diễn biến tranh chấp


Giải pháp tranh chấp tại tòa được xác định là giải pháp cuối cùng. Trước mắt, Công ty In-Vina cần đáp lại các luận điểm từ chối bồi thường của Công ty bảo hiểm P.

– Đối với luận điểm từ chối (1): Rà soát hồ sơ giao dịch cho thấy, Công ty bảo hiểm đã được cung cấp thông tin đầy đủ về chức năng kinh doanh (in ấn và cho thuê kho bãi). Giấy chứng nhận bảo hiểm cũng nêu rõ các chức năng kinh doanh này. Sau đó Công ty bảo hiểm tái xác nhận danh mục tài sản bảo hiểm số 01-12/3120/0015 chứng nhận bảo hiểm cho lô hàng máy lạnh nêu trên, trong đó có ghi thông tin chức năng kinh doanh của Công ty In-Vina. Điều này cho thấy, Công ty bảo hiểm P. biết rõ hàng hóa để trong kho là hàng hóa thuộc trách nhiệm trông giữ, không phải là hàng hóa thuộc sở hữu của Công ty In-Vina. Như vậy, đã có đủ cơ sở pháp lý cho cuộc tranh chấp, phủ định ý kiến từ chối của nhà bảo hiểm.

– Đối với luận điểm từ chối (2): Ý kiến một số chuyên gia luật cho rằng, đây là cách diễn đạt từ ngữ của đơn vị giám định nhằm đưa người được bảo hiểm (tức Công ty In-Vina) vào “mê cung” của các thuật ngữ vốn luôn khó hiểu của nhà bảo hiểm. Đồng thời, khéo léo đưa HĐBH ra khỏi phạm vi được bảo hiểm. Công ty In-Vina đã có công văn gửi Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc Gia tham vấn về tình hình lũ lụt của khu vực kho. Kết quả: Cơ quan này xác nhận đã có đủ cơ sở kết luận có xảy ra vụ lụt ngày 07/11/2013 tại nhiều khu vực TP. Hồ Chí Minh, trong đó có nơi đặt kho của Công ty In-Vina.

Tuy nhiên, các bản báo cáo, xác nhận này đã không được VIET-A xem xét đưa vào hồsơ giám định. Trong hồ sơ giám định không mô tả, liệt kê, hoặc đề cập đến các chứng cứ do Công ty In-Vina cung cấp. Các chứng cứ quan trọng đối với người được bảo hiểm luôn bị nhà giám định bác bỏ. Thuật ngữ “ngập lụt” (hay “ngập do lụt”) trong các văn bản xác nhận của cơ quan chuyên môn đã được đơn vị giám định diễn giải thành “ngập úng” nhằm gây bất lợi cho Công ty In-Vina.

Tham chiếu Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm khi giải thích hợp đồng bảo hiểm “trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm”. Đồng thời, đối chiếu đơn bảo hiểm giữa Công ty In-Vina và Công ty Bảo hiểm P., Công ty In-Vina nhận định không có định nghĩa về “lụt”. Như vậy, Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm lẽ ra phải được áp dụng trong trường hợp này! Thế nhưng, trong suốt quá trình đàm phán giải quyết sự việc, nguyên tắc này chưa được nhà bảo hiểm và phía giám định Viet-A tuân thủ.

– Đối với luận điểm từ chối (3): Đối chiếu với hợp đồng thuê kho, trong hợp đồng này có điều khoản miễn trách do điều kiện bất khả kháng (thiên tai, dịch họa, chiến tranh…). Nhưng đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm không thấy xuất hiện thuật ngữ “thiên tai” nào, nên việc nhà giám định xác định đây là vụ “thiên tai” là một luận điểm không phù hợp. Vì vậy, chúng tôi cho rằng đây là điểm mà Công ty bảo hiểm P. dựa vào để đưa hợp đồng bảo hiểm của In-Vina ra khỏi phạm vi được bảo hiểm? Nếu vậy, giải pháp hợp lý hơn là mời một đơn vị độc lập tham gia vào việc này, nhằm vạch ra tính không khách quan trong báo cáo của đơn vị giám định.

In-Vina đặt ra nghi vấn về tính khách quan qua văn bản do VIET-A sử dụng làm căn cứ kết luận nguyên nhân tổn thất và nhận được giải thích rằng: Họ lấy trưng cầu nội dung “thiên tai” nhằm xác định “mức khấu trừ do rủi ro thiên tai”. Tuy nhiên, thuật ngữ “mức khấu trừ do rủi ro thiên tai” thường được áp dụng trong bảo hiểm xây dựng – lắp đặt, không áp dụng cho “Đơn tiêu chuẩn bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt”, hợp đồng bảo hiểm cũng không xuất hiện thuật ngữ “thiên tai”. Lời giải thích này của nhà giám định bảo hiểm không thuyết phục. Trước các lập luận của Công ty In-Vina, ngày 05/03/2014, Công ty Cổ phần Bảo hiểm P. chính thức phát hành văn bản thừa nhận trách nhiệm bảo hiểm đối với vụ tổn thất nêu trên.

BÀI HỌC RÚT RA TỪ THỰC TỂ


Qua trường hợp của Công ty In-Vina cho thấy: Người mua bảo hiểm nói chung, không nên phó mặc tất cả cho công ty bảo hiểm mà phải tìm hiểu quy định pháp lý liên quan.

Đối với các công ty bảo hiểm, cần ý thức rằng việc phải bảo đảm uy tín của mình bằng tôn trọng (hợp đồng) khách hàng. Thay vì tìm cách từ chối quyền lợi được bảo hiểm của khách hàng, các công ty bảo hiểm cần nhanh chóng xác định tính khách quan, từ đó hạn chế các chi phí pháp lý phát sinh; tránh được việc mất lòng tin đối với khách hàng tiềm năng.

Đối với các công ty giám định, cần thực hiện công việc một cách khách quan chuyên nghiệp. Thay vì cố gắng diễn dịch hợp đồng theo hướng có lợi cho một trong hai bên công ty bảo hiểm hay người được bảo hiểm.

Theo TCTC