Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương đưa Trung tâm tích hợp dữ liệu thông tin từ thiết bị GSHT vào hoạt động trong tháng 03.2014 để quản lý, cảnh báo, ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe chở khách.

Nhân rộng mô hình bắt buộc kiểm tra ma túy đối với lái xe tại Hải Phòng, tăng cường kiểm tra tải trọng xe, đẩy mạnh tuần tra kiểm soát tại địa bàn nông thôn, sớm đưa Trung tâm giám sát hành trình vào hoạt động… là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến công tác đảm bảo trật tự ATGT diễn ra sáng ngày 25.02, tại Hà Nội.

NGHỊCH LÝ ĐƯỜNG TỐT, TNGT VẪN NHIỀU


Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, TNGT đã được kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, có một thực tế đáng báo động là TNGT đang có dấu hiệu đổ dồn về các tuyến đường giao thông nông thôn.

Ông Lê Phước Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bức xúc: Trước đây, vì đường xấu TNGT không tăng, nay tỉnh đã bê tông hóa được 70% đường giao thông nông thôn (khoảng trên 6.000km) thì TNGT tăng 25%, nhiều huyện miền núi TNGT tăng gấp 2 – 3 lần.

2 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 4.834 vụ TNGT, làm chết 1.818 người, bị thương 4.741 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 839 vụ (-14,79%), giảm 107 người chết (-5,56%), giảm 1.057 người bị thương (-18,23%).

“Nguyên nhân chính là do người dân đi không đúng phần đường, tránh, vượt sai quy định, hệ thống biển báo, cảnh báo ATGT trên đường giao thông còn yếu và thiếu. Cùng đó là vấn nạn uống rượu bia rồi phóng bạt mạng trên đường” – ông Thanh nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Dương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian qua, TNGT trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu tại hai huyện Bảo Yên và Bảo Thắng. Nguyên nhân, theo ông Dương là phương tiện của người dân chưa tốt, hệ thống phanh, đèn không đảm bảo. Kỹ năng tham gia giao thông của người dân còn kém, nhất là khi nhập với đường tỉnh lộ, quốc lộ.

Khẳng định TNGT, đặc biệt tại khu vực nông thôn Hải Dương thời gian qua đã giảm, song ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng khẳng định chưa thể yên tâm bởi số vụ vẫn còn nhiều.

“Công an xã đã vào cuộc khá tốt. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn còn yếu và thiếu, cộng với sự nể nang trong làng, xã nên khu vực nông thôn vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Các vi phạm phổ biến vẫn là đi mô tô, xe gắn máy không đội MBH, đội MBH kém chất lượng, uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện, vi phạm tốc độ quy định còn nhiều” – ông Hiển cho biết.

GIÁM SÁT CHẶT, TNGT GIẢM


Trước và trong 9 ngày nghỉ Tết, TNGT đều được kéo giảm. Tuy nhiên, sau Tết, TNGT lại có dấu hiệu tăng trở lại, tập trung chủ yếu vào xe khách, xe tải. Chỉ tính riêng từ 07.02.2014 đến 12.02.2014, cả nước đã xảy ra 8 vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, xe container, làm chết 12 người và bị thương 43 người.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Cương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VII, Bộ Công an cho biết, nguyên nhân là ý thức tự giác chấp hành pháp luật ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém, các hành vi vi phạm ATGT còn nhiều. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý vi phạm ATGT đối với lái xe khách, xe tải có lúc, có nơi chưa quyết liệt, nhất là về ban đêm. Lực lượng, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ phục vụ cho công tác TTKS xử lý vi phạm còn thiếu.

Trên thực tế, nếu làm tốt công tác tuần tra xử lý vi phạm, TNGT chắc chắn sẽ được kiểm soát. Ông Nguyễn Hữu Hoài – Chủ tịch, Trưởng ban ATGT tỉnh Quảng Bình cho biết, hai tháng đầu năm số vụ TNGT đã giảm 30%, số người chết giảm 24% và số người bị thương giảm 46% so với cùng kỳ. Các dịp trước, trong và sau Tết, ATGT được đảm bảo, toàn tỉnh không để xảy ra TNGT liên quan đến xe tải, xe khách.

Có được kết quả trên là do UBND tỉnh đã huy động toàn bộ lực lượng CSGT, CSCĐ và có sự tăng cường lực lượng của Cục CSGT Đường bộ – Đường sắt… bố trí 10 điểm bắn tốc độ và có thay đổi vị trí thường xuyên trên 120km QL1, tạo được địa bàn khép kín, buộc các lái xe phải tuân thủ tốc độ cũng như di chuyển an toàn. “Qua 2 tháng triển khai cao điểm, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 5.200 trường hợp vi phạm, có thời điểm Kho bạc Nhà nước phải ra hiện trường cùng CSGT để thu tiền phạt, tạo điều kiện cho việc đi lại của nhân dân và giải phóng phương tiện nhanh” – ông Hoài nói.

Biểu dương sự quyết liệt của Quảng Bình, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây là kinh nghiệm tốt cho các địa phương khác có QL1 đi qua. “Phải khép kín được địa bàn, không lơ là, triển khai quyết liệt, siết chặt quản lý vận tải, ngăn chặn xe chở quá tải. Như vậy sẽ chặn ngay được TNGT liên quan đến xe khách, xe tải” – Phó Thủ tướng yêu cầu.

5 GIẢI PHÁP CẤP BÁCH


Để đạt mục tiêu giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người bị thương và số người chết do TNGT và giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương đưa Trung tâm tích hợp dữ liệu thông tin từ thiết bị GSHT vào hoạt động trong tháng 03.2014 để quản lý, cảnh báo, ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe chở khách.

Cùng đó, cần triển khai quyết liệt chủ đề Năm ATGT 2014 “Siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, trước hết là ngăn chặn TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng và xe container; Xây dựng ngay Kế hoạch tổ chức kiểm tra đồng loạt lái xe sử dụng ma túy trên cả nước, nhân rộng mô hình của Hải Phòng; Kiểm soát có hiệu quả người điều khiển phương tiện uống rượu, bia; Xây dựng quy định cấm cán bộ, công chức uống rượu, bia điều khiển phương tiện, uống rượu, bia vào buổi trưa, trong giờ làm việc, áp dụng chung trong toàn quốc; Xây dựng và triển khai Kế hoạch giảm thiểu TNGT trên địa bàn nông thôn.

Theo BGT