Theo đánh giá của Hiệp hội bảo hiểm Nhật Bản, một trong những nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bảo hiểm nói chung, hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng ở Nhật Bản trong thời gian vừa qua là chất lượng và sự hoạt động có hiệu quả của hệ thống đại lý, tổng đại lý bảo hiểm phi nhân thọ.
Tại Nhật Bản, đại lý bảo hiểm gồm đại lý chuyên nghiệp và đại lý bán thời gian, các đại lý bảo hiểm có thể làm đại lý cho một hoặc nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau. Hoạt động kinh doanh của các đại lý ngày càng bị cạnh tranh mạnh mẽ từ các kênh bán hàng khác như môi giới và bán trực tiếp, tuy nhiên doanh thu phí bảo hiểm của kênh đại lý vẫn chiếm tới 91,9% trong năm 2011, trong khi kênh môi giới chỉ chiếm 0,4% và kênh trực tiếp chiếm 7,7%.
Từ năm 2001, Nhật Bản đã tiến hành tự do hóa hệ thống đại lý bảo hiểm phi nhân thọ, theo đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tự chịu trách nhiệm đối với công tác đào tạo đại lý. Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã phối hợp với Học viện Bảo hiểm phi nhân thọ Nhật Bản và đặc biệt là Hiệp hội bảo hiểm phi nhân thọ Nhật Bản xây dựng và hiện đại hóa hệ thống đào tạo, thi cấp chứng chỉ cho các đại lý bảo hiểm phi nhân thọ.
Một số nguyên tắc chính trong quá trình thiết kế chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm phi nhân thọ ở Nhật Bản như sau:
• Thứ nhất, hướng đến việc nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, lấy sự hài lòng của khách hàng là trung tâm, kết quả cuối cùng;
• Thứ hai, nắm bắt được chuyên môn, nghiệp vụ từ kiến thức cơ bản đến chuyên sâu về các loại sản phẩm; nghiệp vụ kinh doanh khai thác khách hàng…
• Thứ ba, hiểu rõ và chấp hành nghiêm luật pháp trong kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, tránh cạnh tranh quá đà, nhất là đối với vấn đề phí, hoa hồng và xác định mức độ thiệt hại, bồi thường khi xảy ra rủi ro bảo hiểm. Bên cạnh đó, để giảm thiểu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, cạnh tranh quá mức, nhất là đối với vấn đề hoa hồng bảo hiểm, Nhật Bản đã xây dựng và phát triển Hệ thống Hoa hồng và Hệ thống Điểm đại lý (được sử dụng làm hệ số để đại lý xác định mức hoa hồng thực tế). Ví dụ, đối với Hệ thống hoa hồng ôtô có thể là 13%, 15%, 18%… tùy vào từng loại ôtô được ấn định cho từng thời kỳ và áp dụng chung trên toàn quốc. Các đại lý còn được chấm điểm đại lý dựa trên nhiều tiêu chí như doanh thu, tỷ lệ tăng trưởng, chất lượng hoạt động… và được sử dụng để làm hệ số tính hoa hồng thực tế. Tóm lại, ở Nhật Bản, công tác đào tạo đại lý, nhân viên làm việc tại các đại lý bảo hiểm rất quan trọng và được tổ chức triển khai nghiêm túc, bài bản. Chất lượng đại lý bảo hiểm nhờ đó ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp bảo hiểm nước này. Theo NC&ĐTBH