Sau gần 30
năm đổi mới, mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã trở thành địa
điểm hấp dẫn vốn, với mức giải ngân trung bình 10 tỷ USD/năm. Doanh nghiệp FDI
đã chiếm tỷ trọng 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cũng như tạo khoảng 3
triệu việc làm.

Sáng 9/4, tại Hà Nội,
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế quốc gia -Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức
hội thảo tác động của đầu tư nước ngoài (FDI) đến kinh tế Việt Nam.

Tại hội thảo, hầu hết
các chuyên gia đều nhấn mạnh vai trò cũng như sự đóng góp to lớn, liên tục của
các doanh nghiệp FDI trong hoạt động xuất khẩu thời gian qua; đặc biệt là nhờ
khu vực này mà nền kinh tế đã xuất siêu và từ đó có cơ sở để bảo đảm nguồn cung
ngoại tệ, tiến tới cân bằng và lành mạnh hóa cán cân thanh toán quốc gia.

Ngoài ra, doanh nghiệp
nước ngoài cũng tạo ra nhiều việc làm gián tiếp thông qua mối quan hệ với đối
tác là doanh nghiệp trong nước, các cơ sở cung cấp dịch vụ, các vệ tinh sản
xuất linh kiện hoặc cung cấp nguyên, vật liệu đầu vào trên phạm vi cả nước.

Theo ông Nguyễn Huy
Hoàng, đại diện nhóm nghiên cứu của Trung tâm, sau gần 30 năm đổi mới, mở cửa
thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã trở thành địa điểm hấp dẫn vốn, với
mức giải ngân trung bình 10 tỷ USD/năm. Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp rất
đáng kể cho quá trình phát triển kinh tế, thông qua việc đáp ứng về nguồn vốn,
công nghệ, tạo ra nguồn thu cho ngân sách. Đặc biệt, doanh nghiệp FDI chiếm tỷ
trọng 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cũng như tạo khoảng 3 triệu việc
làm.

Qua thời gian, sức lan
tỏa của khu vực có vốn FDI càng lớn, góp phần thúc đẩy công cuộc công nghiệp
hóa và gia tăng mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Đến nay, nhiều loại sản
phẩm do các doanh nghiệp FDI sản xuất đã tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị
trường quốc tế, nhất là điện thoại, linh kiện điện tử, hàng dệt may, da
giày…Trên thực tế, FDI là nguồn lực quan trọng, trực tiếp tham gia và thúc đẩy
sự hình thành nhiều ngành công nghiệp có yêu cầu cao về công nghệ, sản phẩm có
giá trị gia tăng cao như chế tạo máy móc, năng lượng, máy tính, điện thoại.

Chính phủ và các cơ quan
chức năng thường xuyên tạo điều kiện, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư để
nâng cao sức cạnh tranh, thu hút thêm vốn FDI.

Tuy nhiên, thời gian
qua, hoạt động đầu tư nước ngoài cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc
phục để khẳng định vị trí, vai trò cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của
mình. Đó là tình trạng chậm thực hiện chuyển giao công nghệ cho đối tác trong
nước, còn thiếu nhiều đơn vị áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, xảy ra vấn đề
ảnh hưởng hoặc gây ô nhiễm môi trường; từ đó gây ảnh hưởng đến đời sống và sản
xuất tại một số khu vực, địa bàn cụ thể. Cá biệt, còn có tình trạng trốn thuế,
chuyển giá gây nhức nhối dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín môi trường đầu tư
Việt Nam.

Tiến sĩ Adgar thuộc Viện
nghiên cứu Kinh tế xã hội Ireland cho biết, doanh nghiệp FDI đã và đang lan tỏa
sự ảnh hưởng và liên kết với cộng đồng doanh nghiệp trong nước; đáng lưu ý là
hoạt động trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao kỹ năng quản trị doanh nghiệp theo
tiêu chuẩn quốc tế và từ đó góp phần hỗ trợ, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh
nghiệp trong nước.

Tại hội thảo, nhiều
chuyên gia đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu
tư để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời chủ động tạo điều kiện
thuận lợi về kinh doanh, cải cách hành chính và hỗ trợ các nhà đầu tư nước
ngoài củng cố niềm tin, gia tăng đầu tư trong thời gian tới.

Theo Tinnhanhchungkhoan.vn